Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi

21/11/2023 09:48

Tận dụng vùng đất bãi ven sông Đáy, có thủy triều lên xuống, vài năm trở lại đây, một số hộ dân ở xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) đã kỳ công cải tạo đất, giữ gìn môi trường trong lành để con rươi ngoài tự nhiên có điều kiện sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Và "tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm" là lúc bà con thu hái thành quả.

Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi

Người dân Khánh Công thức trắng đêm thu hoạch rươi.

Thu về hàng chục triệu đồng mỗi đêm

Rươi có tập tính sống trong hang dưới bùn và chỉ nổi lên mặt nước vào những thời điểm nhất định, rất ngắn ngủi, phụ thuộc vào thủy triều, thời tiết, tuần trăng, nhiệt độ, độ mặn và nhiều yếu tố sinh thái khác. Do vậy, không phải dễ để gặp được dịp như thế.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, lần này, phóng viên Báo Ninh Bình mới được theo chân đồng chí Chủ tịch UBND xã Khánh Công, Phạm Văn Trọng đi mục sở thị một buổi thu hoạch rươi của những nông dân nơi đây.

2 giờ đêm, nhằm đúng ngày không khí lạnh tràn về, gió lạnh căm căm, chạy dọc theo triền đê con sông Đáy, nhìn ra phía bờ sông, cứ 400 - 500 m lại thấy loang loáng anh đèn, theo đồng chí Chủ tịch UBND xã đó chính là chỗ bà con đang chuẩn bị thu hoạch rươi. Rẽ vào khu bãi của gia đình bác Phạm Văn Khoa (xóm 7), ông Khoa đang chong đèn, hồi hộp đón rươi về.

Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi
Người dân phải soi đèn, canh chừng, kiểm tra lượng rươi, từ đó có kế hoạch xả nước, thu bắt.

"Con rươi thường chỉ nổi về đêm và hay nhằm vào những ngày trời trở gió, mưa lạnh nên việc thu hoạch khá vất vả. Hơn nữa, rươi nổi giờ nào, nổi nhiều hay ít cũng không ai đoán chắc được nên lúc nào phải canh chừng. Rươi nổi mà không thu kịp sẽ theo nước thủy triều trôi đi hoặc bị vỡ ra mà chết thì coi như mất trắng" - ông Khoa chia sẻ.

Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi
Rươi chính vụ thường rất đều con, đỏ hồng, bụ sữa.

Thật không phụ công mong đợi, ban đầu chỉ có vài con nhưng sau hơn 1 tiếng, những con rươi thân căng mọng bật lên kín mặt nước và vợ chồng ông Khoa bắt tay vào thu hoạch.

Không dùng vợt bắt từng con rươi như trước đây, mà giờ ông Khoa dùng 1 túi lưới dài 3 - 4m chặn ở cửa các cống điều tiết nước cho đầm. Khi thủy triều rút, mở cống, rươi sẽ theo dòng nước chảy vào lưới.

Áng chừng 1 mẻ được 7-10kg thì rươi sẽ được đổ vào xô để đưa về làm sạch. 15-20 phút lại đổ một mẻ, chỉ vài tiếng gia đình ông Khoa thu được tới 30 - 40kg rươi. Với giá bán 350- 400 nghìn đồng/kg, vợ chồng ông bỏ túi hơn chục triệu đồng.

Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi
Công đoạn sơ chế, bảo quản rươi thường do các chị, bác mẹ đảm nhiệm vì cần sự khéo léo, tỉ mỉ.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển sang đầm của gia đình nhà ông Phạm Văn Xuyền (xóm 11). Vợ chồng ông Xuyền vui mừng vì hôm nay thu hoạch được khá nhiều rươi.

Ông Xuyền cho biết: Con rươi cho thu hoạch rải rác từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch nhưng có 2 con nước chính là ngày 20/9 và ngày mồng 5/10, vì vậy dân gian mới có câu "tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm". Rươi ở thời gian này thường rất đều con, đỏ hồng, bụ sữa và có vị béo ngậy khi ăn, còn rươi nước đầu là rươi bói, nước cuối là rươi ót, con rươi bé và số lượng ít.

Cũng theo ông Xuyền, việc thu hoạch rươi thường diễn ra ban đêm khoảng 1-2 giờ cho đến sáng vì rươi sau khi vớt lên còn phải đưa về sơ chế, loại bỏ rờm rác, làm sạch nhớt, rồi phân loại, đóng khay xốp... Mọi công đoạn đều đòi hỏi sự mau lẹ, khéo léo, tỉ mỉ, nếu không có kinh nghiệm con rươi sẽ bị vỡ trắng ra, phải bỏ đi.

Tuy khó khăn, vất vả là vậy nhưng bù lại rươi thu hoạch đến đâu được thương lái mua hết đến đó với giá khá cao, dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/kg nên những nông dân làm rươi như ông vẫn hết sức hăng say, phấn khởi.

Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi
Vợ chồng ông Xuyền vui mừng khi thu hoạch được lượng rươi kha khá.

Với diện tích 2 ha, mỗi năm ông Xuyển thu về khoảng 1,5- 2 tấn rươi, trừ chi phí còn lãi 500 triệu. Năm nay mới đầu vụ nhưng ông cũng đã thu được 4 lượt, hôm ít 1 tạ, hôm nhiều khoảng 2 tạ.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho biết: Khánh Công hiện có khoảng 5 ha đầm bãi, ven sông được bà con cải tạo để giữ, khai thác rươi. Nhìn chung, sau khi trừ chi phí, các hộ dân cũng thu được một khoản tiền khá để trang trải cuộc sống, thậm chí nhiều hộ trở lên khá giả nhờ con rươi.

Kỳ công cải tạo nguồn sống cho rươi

Nhiều người ví von rươi như "của giời cho" nhưng theo những nông dân làm rươi ở Khánh Công thì không hẳn như vậy, bởi cùng có tiềm năng diện tích đất bãi ven sông nhưng rất ít nơi có rươi để khai thác, bởi hiện nay với lối canh tác lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, đã khiến môi trường đất, nước bị ô nhiễm, con rươi bị triệt tiêu. Để có nguồn rươi dồi dào như ngày hôm nay, bà con nơi đây đã phải kỳ công bỏ rất nhiều thời gian, tâm sức để cải tạo nguồn sống cho nó.

18 năm làm bãi, 15 năm làm rươi, ông Phạm Văn Xuyền chia sẻ: Nhiều năm lăn lộn với đồng bãi, tôi vẫn luôn trăn trở, tại sao cũng đồng đất như thế mà người Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng làm được rươi, thu hàng trăm triệu từ rươi còn mình chỉ quanh quẩn mỗi năm một vụ lúa, vài con cá... Thế là tôi khăn gói đi học hỏi xem họ làm cách nào thì thực ra quan trọng nhất vẫn là giữ môi trường trong lành.

Do vậy, một năm gia đình chỉ cấy một vụ lúa xuân, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV. Tháng 4, tháng 5 sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành cầy xới đất lại, đánh rạch, khoi nước, sau đó rắc phân ủ mục với trấu để tạo chất dinh dưỡng cho đất. Bên cạnh đó, phải điều tiết để đảm bảo nước thủy triều ra vào liên tục, không được tù đọng. Sau vài năm kiên trì làm như vậy, con rươi mới dần dần xuất hiện và có được sản lượng ổn định như hiện nay.

Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi
Ninh Bình còn nhiều diện tích đầm bãi ven sông có thể tận dụng phát triển nghề nuôi rươi.

Một hộ làm rươi khác là ông Phạm Văn Công cũng cho biết: Có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình. Chúng tôi phải thống nhất quây thành một khu, bảo nhau cùng làm, bởi chỉ cần một hộ làm khác đi thì nguồn nước ô nhiễm sẽ tràn sang các hộ còn lại, con rươi cũng không thể sống nổi.

Được biết, ngoài khai thác rươi, nhờ môi trường trong lành, nhiều loại thủy sản khác như tôm, cá, cáy cũng đua nhau sinh sôi nảy nở, giúp bà con nông dân có sản phẩm thu hoạch quanh năm, gia tăng thêm thu nhập.

Có thể thấy rằng, việc khai thác rươi ở Khánh Công không những chỉ tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn mà còn bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven sông. Thực tế, diện tích đất ngoài đê để khai thác rươi còn nhiều hơn con số 5 ha, ngoài xã Khánh Công mô hình này có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự vào cuộc của ngành chuyên môn để nghiên cứu, điều tra, đánh giá đặc điểm, chất đất, nguồn nước của từng vùng, xác định rõ những khu vực nào có tiềm năng để làm rươi để đưa vào quy hoạch. Trên cơ sở đó, các địa phương có những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ bà con.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Về Khánh Công xem người dân chong đèn thu hoạch rươi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO