Đức vua Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân xâm lược đế quốc Nguyên Mông (năm 1285 và 1288), bảo vệ độc lập, tự chủ cho dân tộc, xây dựng vương triều nhà Trần và quốc gia Đại Việt hùng mạnh.
Ngài sinh ngày 11/11 (Âm lịch) năm Mậu Ngọ 1258, được sắc phong làm Hoàng thái tử năm 16 tuổi, lên ngôi năm 21 tuổi. Năm 35 tuổi, ngài nhường ngôi cho con trai và lui về Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng, xuất gia tu tập tại hành cung Vũ Lâm.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 1299, Thượng hoàng chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh theo 12 hạnh Đầu Đà tại am Tử Tiêu trên núi Yên Tử, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đại Sĩ.
Trong cuộc đời tu luyện và nhập diệt của mình, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn Yên Tử là nơi tu hành, giảng pháp, còn Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình và hóa Phật. Bởi thế, Ngọa Vân còn được biết đến như "thánh địa" của Phật giáo Trúc Lâm.
Sau khi Ngài viên tịch, triều đình và tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm là Pháp Loa đã cho mở mang Ngọa Vân thành một quần thể kiến trúc am, chùa, tăng xá với quy mô rộng lớn.
Trải qua thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết và những biến động xã hội, đến thế kỷ XVII, hầu hết công trình tại Ngọa Vân đã bị phá hủy. Đến năm 1707, dưới sự hỗ trợ của Phật tử, thiền sư Đức Hưng đã cho trùng tu Ngọa Vân cùng nhiều công trình tại Thông Đàn, Đá Chồng.
Quần thể am, chùa Ngọa Vân tọa lạc trên dãy Bảo Đài, được bao bọc bởi những ngọn núi xanh mướt, trùng điệp.
Ngọa Vân Tự nghĩa là “chùa nằm trên mây”. Ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ làm án, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh.
Quần thể am, chùa Ngọa Vân tọa lạc trên dãy núi Bảo Đài, thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, ở nơi đắc địa, đẹp cả về cảnh quan lẫn phong thủy với hình thế "tả thanh long, hữu bạch hổ, xa có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thủy". Đây đồng thời là quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Phật giáo Trúc Lâm, một trong 14 điểm thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Am, chùa Ngọa Vân là điểm đến tâm linh của tăng, ni, Phật tử và du khách.
Am, chùa Ngọa Vân là điểm đến tâm linh, thưởng ngoạn của tăng, ni, Phật tử và du khách từ nhiều năm nay. Để bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích, tháng 12/2020, nhân dịp tưởng niệm 712 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo am Ngọa Vân (chùa Thượng) với nguồn công đức từ Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup.
Dự án được thực hiện trên cơ sở quy hoạch tổng thể mặt bằng cụm di tích với nguyên tắc bảo tồn, giữ nguyên hướng của công trình theo kết quả khảo cổ học. Quá trình thi công có sự giám sát của chuyên gia khảo cổ học để đảm bảo độ chính xác.
Dự án bảo tồn, tôn tạo nguyên trạng chùa, am Ngọa Vân, Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp và các hạng mục như nhà Tổ, tháp Bảo Sái, nhà sắp lễ, nhà khách... Bên cạnh đó, di tích cũng được bổ sung hệ thống tượng thờ, ban thờ, câu đối, đại tự, nhang án cùng các đồ thờ tự tại nhà Tổ, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật điện chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy, chống mối mọt và hệ thống cấp thoát nước...
Am, chùa Ngọa Vân được tu bổ và hoàn thiện.
Lễ khánh thành am, chùa Ngọa Vân được tổ chức vào ngày 4/12, nhân dịp tưởng niệm 713 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Sau quá trình tu bổ, tôn tạo, nơi đây sẵn sàng đón các tín đồ Phật tử, nhân dân về chiêm bái vùng đất Phật, "thánh địa" Phật giáo Trúc Lâm.
Đây là niềm tự hào của địa phương, cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Đông Triều cùng tỉnh Quảng Ninh trong việc tri ân các bậc tiền nhân.