Gốm Lái Thiêu tiêu biểu là vẽ sơn thủy, là tô đĩa chén con gà hay con cá, con cua. Họ vẽ sơn thủy không thể đẹp bằng gốm Bát Tràng ở phía Bắc nhưng họ lại vẽ những gì gần gũi với cuộc sống bản địa như cây chuối, con gà, cua… trong vườn có gì là vẽ. Con gà được vẽ nhiều nhất, nó mang tính bản địa rõ nhất. Gốm Biên Hòa mạnh về kỹ thuật chạm khắc trên sản phẩm gốm, còn Bát Tràng miền Bắc và các vùng miền khác không có. Nói chung, 2 trường phái này khai thác những thế mạnh mà các vùng khác không có.
Đất gốm là đất sét Cao Lanh (Việt Nam), một số nơi nhập đất từ Trung Quốc, Thái Lan vì nó rẻ và tính ổn định cao. Tính ổn định đất gốm quan trọng, xương đất khác thì màu men khác. Sau xương gốm mới đến men, đề tài, và dáng gốm tùy theo sở thích người chơi. Ở các lò gốm phía Nam, đứng đầu là thợ điêu khắc, thợ in… rồi mới đến thợ chấm khắc men, thợ vẽ. Lương thợ ở đây 10 triệu đồng/tháng, ngày làm 8h, tuần nghỉ 1 ngày.
Sắp tới Khang Minh sẽ mở các lớp hướng dẫn cho các bạn trẻ muốn tiếp cận nghề gốm, và các bạn theo học nghệ thuật thích sáng tác trên các chất liệu khác nhau có thể trải nghiệm trên gốm. Mục đích để tìm ra những bạn có nhân tố phù hợp, có tư duy hiện đại để làm ra các sản phẩm thủ công mới mẻ hơn, độc đáo hơn. Khi được hỏi vì sao lại chọn nghề gốm, Minh trả lời: “Gốm mang tính dân tộc, tính văn hóa bản địa cao. Gốm vượt trội so với các sản phẩm khác…”.