Giá vé máy bay thẳng đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội cao không tưởng
Đó là tình cảnh chung cho lịch bay khi đường bay TP.HCM - Hà Nội không dưới 3 triệu đồng/vé trong những ngày này thay vì trên dưới 1,2 triệu đồng vào mùa thấp điểm.
Anh Minh (ngụ Bình Tân, TP.HCM) cho biết vừa phải trả 7 triệu đồng cho vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội cho chuyến đi chỉ 1 ngày mà không có nhiều lựa chọn mà nguyên nhân vì chuyến bay quá ít.
Ghi nhận trên hệ thống bán vé Vietnam Airlines, giá vé máy bay đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội trên dưới 3 triệu đồng cho một chiều. Đường bay thẳng này có thời điểm bán ra đến 3,5 triệu đồng/vé tùy theo thời điểm.
Một đại lý bán vé cho biết nguyên nhân vé cao cho đường bay thẳng TP.HCM - Hà Nội chủ yếu do lịch khai thác hạn chế.
"Một ngày chỉ vài chuyến bay đếm đầu ngón tay thì vé cao là điều dễ hiểu, nhất là nhu cầu đi lại giữa 2 thành phố này là rất lớn khi thời điểm bình thường lên đến cả trăm chuyến bay", vị đại lý cho biết.
Cùng với Vietnam Airlines, Bamboo Airways cũng chung tình cảnh khi mỗi ngày chỉ được 2 chuyến bay thẳng TP.HCM - Hà Nội. Điều này cũng khiến giá vé không hề rẻ khi trên dưới 2 triệu đồng/lượt.
Thậm chí, ghi nhận trên nhiều ngày đầu tháng 12, nhiều chuyến bay đã hết chỗ không chỉ phổ thông mà còn cả hạn thương gia. Nhiều hành khách cho biết vì công việc phải đi chứ giá vé quá cao so với giai đoạn này khi lượng hành khách hạn chế có chuyến chỉ vài chục người.
Hành khách chọn bay vòng thay cho bay thẳng để được giá vé rẻ gấp đôi
Hành trình bay thẳng TP.HCM - Hà Nội quá đắt đã được nhiều hành khách chọn bay vòng để được giá vé rẻ hơn, thậm chí là một nửa giá tiền so với thời gian transit.
Anh Hoàng (Long An) cho biết đã phải chọn hành trình bay quá cảnh Buôn Mê Thuột với giá vé chỉ 1,5 triệu đồng cho hành trình 4 tiếng 2 chuyến bay.
"Xem ra cũng rẻ hơn 1 nửa, cũng ổn cho mùa dịch này khi tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy", anh Hoàng nói.
Tương tự anh Hoàng, chị Nguyệt (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết cũng đã chọn hướng bay vòng Đà Nẵng với thời gian 3 tiếng 50 phút để được vé rẻ hơn so với bay thẳng.
"Giải pháp tình thế tôi chọn vì tiết kiệm cho bản thân trong lúc dịch bệnh khó khăn thu nhập", chị Nguyệt cho hay.
Ghi nhận trên hệ thống bán vé của nhiều hãng hàng không, hành trình bay một điểm dừng đã được các hãng tận dụng triệt để cho điểm đầu TP.HCM, điểm cuối Hà Nội và ngược lại. Điều này vừa giúp hãng gia tăng tối đa hiệu suất đường bay, vừa là để gom khách khi lượng đi lại hạn chế.
Đáng lưu ý cho các điểm thường chính vẫn là Đà Nẵng, kế tiếp đến là Vinh, Đà Lạt, Huế. Thậm chí có ngày, có cả transit tại Phú Quốc với thời gian từ 5 giờ đến 7 giờ cho toàn hành trình.
Trước thực trạng đường bay TP.HCM - Hà Nội cung không đủ cầu với giá vé cao ngất ngưởng, theo Cục Hàng không Việt Nam, do tần suất hạn chế nên các hãng hàng không tập trung vào dải giá cao, hạn chế cơ hội để đưa ra các mức giá khuyến mại, gây bức xúc về giá vé đối với hành khách.
Trên cơ sở còn tồn tại nhiều vướng mắc, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị đề xuất Bộ Giao thông vận tải triển khai kế hoạch hoạt động vận chuyển hành khách nội địa thường lệ trong thời gian tới để thay thế Quy định tạm thời đã ban hành.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng tần suất khai thác giai đoạn đường bay Hà Nội - TP.HCM/Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng.
Cụ thể, từ ngày 1/12 đến ngày 14/12, khai thác với tần suất 16 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay được phân bổ cho các hãng hàng không khai thác. Theo đó, Vietnam Airlines 05 chuyến; Vietjet Air 05 chuyến, Bamboo Airways 03 chuyến; Pacific Airlines 02 chuyến; Vietravel Airlines 01 chuyến.
Từ ngày 15/12 đến 31/12, khai thác với tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay, dự kiến phân bổ cho các hãng hàng không: Vietnam Airlines 06 chuyến; Vietjet Air 06 chuyến, Bamboo Airways 04 chuyến; Pacific Airlines 03 chuyến; Vietravel Airlines 01 chuyến.
Các đường bay khác trong thời gian nêu trên được khai thác tổng cộng không quá 09 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Từ năm 2022 toàn bộ các đường bay trở lại khai thác bình thường.