Tôi về nhà chồng đến nay đã được 5 năm, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tương đối tốt. Năm ngoái em chồng tôi lấy vợ, gia đình có thêm thành viên mới là em dâu tôi, tên Dung. Hai nàng dâu ở trong cùng một nhà không đơn giản. Tôi không ghét bỏ em dâu nhưng cũng không ưa cô ấy cho lắm vì cảm thấy Dung hơi lười biếng, ỷ lại. Chúng tôi rất ít khi nói chuyện với nhau.
Nhà cửa chẳng rộng rãi gì, giờ lại thêm người nên cũng nhiều cái bất tiện. Tôi và chồng bàn bạc, cố gắng tích góp để mua nhà ra ở riêng. Bố mẹ đẻ nói nếu chúng tôi mua nhà, ông bà sẽ cho 500 triệu đồng. Tôi cũng bảo chồng thử nói chuyện với bố mẹ anh xem ông bà có hỗ trợ gì không? Nhưng anh bảo chắc bố mẹ cũng chẳng có gì vì gia đình chồng tôi kinh tế không khá giả, chỉ đủ ăn, đủ tiêu.
Dạo trước, mẹ chồng tôi chẳng bao giờ hỏi con cái chuyện tiền bạc. Nhưng vài tháng trở lại đây, tôi bất ngờ khi mẹ vay tiền mình. Ban đầu, mẹ hỏi vay tôi 5-7 triệu, tôi quyết định biếu bà số tiền đó. Ít ngày sau mẹ lại mượn thêm chục triệu. Tôi hỏi mẹ cần tiền để làm gì nhưng bà không nói rõ, chỉ bảo có chút việc. Tôi đem chuyện kể với chồng nhưng anh cũng không biết lý do.
Cách đây khoảng một tuần, mẹ lại lên vay thêm 20 triệu đồng. Tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái khi mẹ cứ vay tiền lắt nhắt mà lại không rõ lý do. Tuy vậy, không cho vay thì cũng không được nên tôi vẫn đưa tiền cho mẹ nhưng tỏ rõ thái độ không vui.
Cho đến 3 hôm trước, tôi vừa đi làm về thì thấy mẹ và Dung đang ở trong bếp. Mẹ chồng tôi dúi vào tay Dung một nắm tiền. Hai bên đưa đi đưa lại một lúc thì em dâu tôi cũng cầm rồi nói gì đó với mẹ. Thấy cảnh này, tôi tức tối vô cùng. Với tôi thì mẹ kêu khó khăn này kia, xong lại đem tiền cho dâu út. Mà vợ chồng tôi cũng đâu phải dư giả gì, còn đang đau đầu vì chuyện tiết kiệm mua nhà.
Lên nhà thay quần áo xong, tôi xuống nấu cơm thì chỉ có mẹ chồng trong bếp, không thấy em dâu đâu. Tôi nói với mẹ chồng: “Dung đâu hả mẹ? Việc nhà là việc chung mà con thấy em ấy cứ dửng dưng kiểu gì ấy, chẳng mấy khi thấy xuống nấu cơm với mẹ với chị”.
Tôi vừa dứt lời thì mẹ chồng đã kịp bênh: “Em nó mệt, việc nhà cũng chẳng có gì nhiều, ai rảnh thì người ấy làm, còn không mẹ làm hết cũng được, đừng tị nạnh nhau”.
Nghe xong càng bực mình hơn, tôi nói tiếp: “Con thấy mẹ có vẻ chiều em ấy quá đấy ạ. Với có chuyện này con cũng muốn hỏi mẹ. Dạo gần đây mẹ hay vay tiền con, nhưng lúc nãy con lại thấy mẹ đưa tiền cho Dung. Như vậy là sao hả mẹ?”.
Tôi sẵn tính “ruột trâu phổi bò”, nóng lên là nói không suy nghĩ gì cả nên vô tình thốt ra nhiều lời khó nghe. Mẹ chồng tôi giận tím mặt, rồi nước mắt ngân ngấn khi nghe những lời tôi nói.
Sau đó, bà giải thích rằng, vợ chồng Dung hiếm muộn, phải điều trị khá tốn kém. May mắn em đã có thai được vài tuần nhưng lại bị dọa sảy, giờ phải tiêm thuốc giữ thai và nghỉ ngơi ăn uống. Sức khỏe yếu nên Dung đã nghỉ việc để ở nhà dưỡng thai. Chồng Dung cũng mới bị sa thải, tạm thời đang đi làm mấy việc lặt vặt để kiếm thêm thu nhập. Thương con nên mẹ chồng tôi hỗ trợ hai em một chút, song bà cũng không có nhiều tiền, phải vay tôi rồi sẽ trích tiền lương hưu trả dần.
Dung ngại nên cũng không muốn nhiều người biết chuyện, em đợi đến khi nào thai khỏe mạnh, qua giai đoạn nguy hiểm thì mới chia sẻ.
Thấy tôi và mẹ chồng to tiếng, Dung xuống xem và nghe hết được mọi chuyện, đứng khóc nức nở. Tôi bỗng dưng thấy mình quá đáng, chưa hiểu rõ nội tình đã làm nhà cửa ầm ĩ, gây tổn thương cho người khác. Tôi vội xin lỗi cả mẹ chồng lẫn em dâu, mong họ bỏ qua cho tính “miệng nhanh hơn não” của mình. May là họ cũng không giận tôi.
Những ngày sau đó, tôi chủ động đưa thêm tiền cho em dâu trang trải, quan tâm, hỏi han tình hình, đồng thời hỗ trợ em trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ mong sao, Dung khỏe mạnh và giữ được em bé trong bụng.
Hiện tượng dọa sảy thai nguy hiểm như thế nào?
- Dọa sảy thai hay động thai là tình trạng thai phụ ra máu âm đạo và đau bụng bất thường, có hiện tượng tổn thương bánh nhau, bóc tách nhưng thai nhi vẫn còn sống, chưa bị bong khỏi lớp niêm mạc tử cung và vẫn phát triển bên trong buồng tử cung.
- Dọa sảy thai là hiện tượng mẹ thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đôi khi, mẹ cũng không có triệu chứng dọa sảy thai mà chỉ được phát hiện khi khám thai định kỳ.
- Khi mẹ bầu bị dọa sảy thai, bác sĩ sẽ kiểm tra, xác định nguyên nhân cũng như mức độ, từ đó có hướng xử lý phù hợp. Trong đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm co thắt, thuốc nội tiết bổ sung progesterone dạng tiêm hoặc dạng uống.
- Nếu bị dọa sảy, thai phụ cần được nghỉ ngơi tại giường, thả lỏng, thư giãn cơ thể, tránh căng thẳng, lo âu, chú ý giữ vệ sinh cá nhân, kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu,...
Theo Thời báo VHNT