Đại diện Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong năm qua, lực lượng cảnh sát hình sự đã truy quét hơn 300 vụ án liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi và xử lý hơn 600 đối tượng. Mặc dù tính chất, mức độ đã giảm đáng kể, tuy nhiên diễn biến vẫn phức tạp, thực trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra ở khắp nơi.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 4/2020, toàn quốc có 27.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó có hơn 7.770 cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động tín dụng đen (1.410 cơ sở không có giấy phép), do 5.008 cá nhân làm chủ. Ngoài ra, còn có hơn 1.700 cơ sở kinh doanh tài chính liên quan đến “tín dụng đen” (521 cơ sở không có giấy phép) và 3.909 cá nhân cũng có biểu hiện cho vay nặng lãi.
Tín dụng đen tràn lan trên mạng (ảnh minh họa) |
Hiện nay, “tín dụng đen” có lãi suất từ 100% đến 300%/năm, thậm chí lên đến hơn 1.000%/năm, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính, tiền tệ cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Dù nhiều tổ chức tín dụng đen đã bị lực lượng công an triệt phá nhưng vẫn liên tục mọc ra như vòi bạch tuộc. Nhu cầu vay của người dân quá lớn, cộng với lợi nhuận thu về khủng, trong khi chế tài xử lý chưa đủ nặng nên các đối tượng cho vay nặng lãi không hề run sợ.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người vay tiền sa bẫy “tín dụng đen”, lãi cũ đẻ lãi mới, phải trả gấp nhiều lần số tiền vay mà vẫn không hết nợ.
Mới đây nhất là vụ đại gia Thiện Soi ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị công an bắt do có người tố cáo cho vay nặng lãi. Theo người tố cáo, ông ta vay của Thiện soi hơn 32,5 tỷ đồng, đã trả được gần 28 tỷ đồng tiền mặt và cấn trừ 4 mảnh đất (có giá thị trường là 160 tỷ đồng, nhưng bị ép xuống còn 110 tỷ đồng). Tính ra, ông này đã bay mất số tiền 188 tỷ đồng mà vẫn bị Thiện soi báo còn nợ 18 tỷ đồng nữa. Nghe thấy mà không khỏi khiếp hãi.
Không chỉ với số tiền lớn, đã dính vào tín dụng đen thì ngay cả với số tiền vay lúc đầu dù nhỏ cũng khó mà trả hết nợ. Một khách hàng từng vay tín dụng đen qua app kể, ban đầu chỉ vay có 7 triệu đồng, trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ có 4,3 triệu đồng, còn lại là trả phí dịch vụ và lãi vay. Qua 7 ngày, chưa trả được, lập tức bị phạt 400.000 đồng/ngày và chỉ sau một tuần, số tiền nợ lên đến hơn 10 triệu đồng.
Để tất toán khoản vay và lãi, người này tiếp tục vay 20 triệu đồng ở những app khác, thực nhận cũng chỉ được hơn 10 triệu đồng. Khoản nợ ngày càng lớn, sau 2 tháng lên đến 100 triệu đồng, càng về sau càng tăng, không bao giờ có thể trả nổi.
Khi không trả đúng hạn, sẽ bị đòi nợ bằng nhiều cách. Nhẹ nhàng nhất là gọi điện thoại, nhắn tin giục, chửi bới, dọa nạt người vay. Không hiệu quả thì đến gia đình, người thân và bạn bè của người vay tiền bị làm phiền. Tăng nặng hơn là các hành vi khủng bố làm mất tinh thần như tung tin xấu, đổ phân, sơn vào nhà, dọa giết, lập bàn thờ, gửi quan tài, rồi cho giang hồ xử lý…nhằm gây áp lực trả nợ.
Bước đường cùng
Nhiều con nợ bị dồn đến chân tường, đã phải tìm đến cái chết để giải thoát. Cuối tháng 3/2020, một nữ công nhân 23 tuổi ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã tìm đến cái chết vì tín dụng đen. Để lại thư tuyệt mệnh cho người mẹ già, cô gái cho hay đã mắc nợ rất nhiều từ hơn 10 app cho vay tiền qua mạng, không có khả năng chi trả nữa, đã đi vào bước đường cùng.
Tin nhắn đe dọa khách hàng. |
Cái chết của giảng viên một trường cao đẳng tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 10/5/2020 do vướng đến vay tiền qua app khiến mọi người bàng hoàng. Chỉ vay có 5 triệu đồng qua app để chi tiêu, đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng. Sau đó, app cho vay đã giới thiệu các app khác để anh vay tiếp, trả nợ khoản vay trước. Cứ thế, mấy tháng sau, số tiền nợ tăng lên hơn 200 triệu đồng. Liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần, lại bị đe dọa bôi nhọ và làm mất uy tín, khiến anh phải tìm đến cái chết để được giải thoát.
Tín dụng đen đã vào cả nghị trình tại Quốc hội năm 2020. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, dù tín dụng đen truyền thống đã giảm sau khi bị truy quét, song cho vay qua app lại nổi lên với thủ đoạn đòi nợ còn tàn khốc hơn tín dụng đen truyền thống rất nhiều.
Trên thực tế, có hàng chục nghìn người dính bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu để tiêu dùng. Có thể thấy loại hình tín dụng đen kiểu mới đã biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn, chất chồng những khoản nợ không thể trả.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng bày tỏ lo lắng khi tín dụng đen “gõ cửa” từng nhà, cho vay tận tay người dân bằng hàng trăm app, với thủ tục vô cùng đơn giản. Người dân tưởng vớ được phao cứu sinh, song cuối cùng lại chết chìm từ những chiếc phao này.
Đối phó với diễn biến phức tạp, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết đã có những biện pháp cụ thể gửi đến công an địa phương, tất cả hành vi phạm tội cho vay qua app với lãi suất cao đều bị xử lý. Bộ Công an sẽ cùng với công an địa phương xử lý quyết liệt tình trạng này. Tuy nhiên, chỉ với ngành công an thì không thể ngăn chặn được, cần sự vào cuộc của cả hệ thống.
Các địa phương cần thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, quảng cáo cho vay tiền,... nhằm phát hiện, xử lý sai phạm. Tuyên truyền để mọi người nhận thức được tác hại của tín dụng đen.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là các ngân hàng phải tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó, phải xây dựng các hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng.