Ngày càng nguy hiểm
Cách đây hơn 10 năm, bà Nguyên ở ngõ Văn Hương, Đống Đa, Hà Nội quyết định phá bỏ ngôi nhà cũ trên diện tích gần 200m2 để xây mới, cho thuê làm văn phòng. Khi xây dựng, do thiếu vốn, bà vay của một ngân hàng TMCP 1,2 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Tuy nhiên, khi nhà xây xong thì không có người thuê, dẫn đến không có tiền trả nợ ngân hàng, cả gốc lẫn lãi là 1,5 tỷ đồng.
Một số người đã khuyên bà nên vay ngoài để đáo hạn ngân hàng, tránh nợ xấu. Bà đồng ý vay của một nhóm người 1,5 tỷ đồng trả cho ngân hàng. Tuy nhiên, khi trả xong thì sổ đỏ ngôi nhà nhóm người này cầm luôn không trả lại cho bà. Sau đó, bà cũng không kiếm đâu ra tiền để trả nợ vay cho nhóm người này.
Từ 1,5 tỷ đồng vay ban đầu, đến nay lãi mẹ đẻ lãi con, bà Nguyên đang gánh chịu số nợ tới hơn 15 tỷ đồng và có nguy cơ mất trắng ngôi nhà, dù tốn công sức cả cuộc đời gầy dựng nên. Bà cay đắng nhận ra rằng đã quá dại khi tìm đến tín dụng đen để vay tiền.
Tín dụng đen vươn vòi khắp nơi. |
Đây là một trong những câu chuyện điển hình của việc người dân thiếu am hiểu, thấy vay tiền dễ dàng là lao vào, bất chấp hậu quả của nó ra sao. Khi nhận ra sự thật thì đã quá muộn.
Với lãi suất cho vay “cắt cổ” và đòi nợ theo kiểu xã hội đen, tín dụng đen trở thành vấn đề nóng trong thời gian qua. Nhiều gia đình tan nát, mất nhà cửa tài sản, trở nên bần cùng, phải bỏ xứ ra đi, thậm chí là mất mạng. Nhiều người không trực tiếp vay nhưng cũng chịu hậu quả, chỉ vì tín dụng đen.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, lãi suất cho vay của tín dụng đen thường vào khoảng 2.000 đồng/1triệu/1 ngày, nhưng khi các đối tượng biết con nợ cần tiền cấp bách, sẽ đẩy lãi lên mức 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày ( tương đương với 182,5%/năm), thậm chí tới 10.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương hơn 300%/năm). Mức lãi suất “rùng rợn”, khó hình dung nổi, người vay sẽ gánh chịu hậu quả như thế nào.
Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... Hiện tượng này đang tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự trị an xã hội.
Các hành vi tín dụng đen ngày càng tinh vi, khiến nạn nhân dễ dàng sa bẫy, nếu không hiểu biết hoặc thiếu thông tin. Đặc biệt, tín dụng đen tận dụng tối đa công nghệ để vươn vòi khắp nơi. Từ lập ra các app, tài khoản, đến thành lập hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)... để tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền. Ngoài ra, là các công ty cung cấp ứng dụng kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay tiền.
Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ, hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Do sử dụng công nghệ cao, nên rất khó phát hiện và làm cản trở công tác đấu tranh với hoạt động tín dụng đen.
Chịu thua tín dụng đen?
Qua hoạt động kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố, ông Nguyễn Văn Tất, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cho rằng, việc không hiểu về cách tính lãi suất “lập lờ” của bên cho vay khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.
Hoặc thông qua hợp đồng “giả cách”, hai bên thiết lập hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản, bán tài sản rồi thuê lại, mua hàng trả góp nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu người đi vay không trả được nợ, bên cho vay có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược tại cơ quan pháp luật.
Việc phát hiện, để xử lý các hành vi hoạt động tín dụng đen có tính chất bóc lột rất khó khăn. Chỉ khi nào xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác như: bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, cố ý gây thương tích... có người tố giác, thì lúc đó vụ việc mới bị lộ.
Bao gia đình khốn khổ vì tín dụng đen. |
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho rằng, tình hình hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” hiện rất phức tạp. Dự báo sắp tới, các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan,... ) có xu hướng chọn địa bàn TP để hoạt động cho vay trực tuyến, từ đó mở rộng ra nhiều địa bàn, địa phương khác.
Các luật sư phân tích, tuy đã có chế tài nhưng dịch vụ tín dụng đen vẫn ngày càng bùng phát. Vì vậy, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức chế tài được cho là khá nhẹ so với lợi nhuận mà hoạt động này mang lại nên chưa đủ sức răn đe tội phạm.
Hiện người dân vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng do thủ tục phức tạp, quy trình xử lý hồ sơ rườm rà. Trong khi đó, nhu cầu của nhiều người là cần kíp, không thể chờ đợi. Vì thế, ngành ngân hàng cần có những giải pháp tích cực hơn để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lành mạnh,... đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thay vì phải “gõ cửa” tín dụng đen.
Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản để hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Để ngăn chặn tín dụng đen, đề nghị bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn ngân sách và tạo điều kiện cho huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài, lãi suất ổn định và tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay vốn.
Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), cho biết từ cuối tháng 4/2019 đến nay, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ, với 1.718 đối tượng; đã khởi tố 554 vụ với 990 bị can, xử phạt hành chính 375 vụ với 593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ với 884 đối tượng, trong đó khởi tố 314 vụ với 541 bị can, xử phạt hành chính 153 vụ với 249 đối tượng. Số liệu từ TAND TP. Hà Nội cho thấy, so với cùng thời điểm này năm ngoái, số vụ án thụ lý liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tăng khoảng 37,5%. Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến DN và người dân. Thu nhập của đối tượng lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh bị giảm sút. Thậm chí, nhiều người không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp. |
Trần Thủy