Vật vã xuyên đêm đợi xạ trị - nỗi ám ảnh của bệnh nhân ung thư

Nhóm PV| 17/11/2022 09:54

Nhiều ngày qua, 21h30, khu xạ trị chất lượng cao, Bệnh viện K Tân Triều vẫn tấp nập người ra vào. Bên trong khu vực ghế chờ, có đến hàng trăm bệnh nhân ngồi chầu trực, canh cánh đợi chờ trong sự mệt mỏi và uể oải.

Càng đêm muộn, số lượng bệnh nhân đến xếp hàng tại sảnh khu xạ trị chất lượng cao, Bệnh viện K Tân Triều lại càng đông. Có người nằm gục trên hàng ghế vì đợi chờ quá lâu. Có người, vì không chịu nổi không khí ngột ngạt, đành ra ngoài sân đợi chờ, mặc cho trời đêm sương gió.

Bệnh nhân ung thư đợi chờ đến lượt xạ trị. Ảnh: Minh Hà
22h đêm ngày 16.11, số lượng bệnh nhân ung thư đợi chờ đến lượt xạ trị tại Khu xạ trị chất lượng cao, Bệnh viện K Tân Triều vẫn rất đông. Ảnh: Minh Hà

Có mặt tại khu xạ trị từ 21 giờ, cô Lê Thị Việt (56 tuổi, quê Nghệ An) liên tục nhìn đồng hồ, khuôn mặt lộ rõ vẻ sốt ruột và có phần mệt mỏi, lo lắng.

“Bác sĩ hẹn 9h tối có mặt để xạ trị nhưng chưa có lần nào tôi được vào trước 11h đêm. Dù vậy, bác sĩ hẹn thì mình vẫn phải đến đúng giờ. Có những lần đông bệnh nhân quá, tôi ngồi đợi từ 9h tối tới 1 - 2h đêm mới được về” - cô Việt ngao ngán nói.

Mắc căn bệnh ung thư vú, cô Việt đã trải qua 20 lần xạ trị và lần nào việc điều trị này cũng diễn ra vào khung giờ tối muộn. Bệnh nhân này chia sẻ, với người bệnh, không có gì ám ảnh hơn việc phải mòn mỏi, chầu trực bên ngoài sảnh đợi đến lượt mình.

“Những mũi đầu xạ trị, tôi cứ nghĩ mình không thể qua khỏi. Cơ thể vốn đã mệt mỏi, nay lại phải thức trắng đêm, khổ sở vô cùng” - cô Việt bộc bạch.

Bệnh nhân ngủ gục trên ghế trong lúc đợi chờ đến lượt xạ trị. Ảnh: Minh Hà
Bệnh nhân ngủ gục trên ghế trong lúc đợi chờ đến lượt xạ trị. Ảnh: Minh Hà
Nhiều bệnh nhân không chịu được cảnh ngột ngạt bên trong sảnh chờ nên phải ra ngoài sân của khu xạ trị chất lượng cao, Bệnh viện K Tân Triều ngồi đợi đến lượt. Ảnh: Minh Hà
Nhiều bệnh nhân không chịu được cảnh ngột ngạt bên trong sảnh chờ nên phải ra ngoài sân ngồi đợi đến lượt. Ảnh: Minh Hà

Thu người ngồi nép mình ở hàng ghế cuối cùng của phòng chờ, chị Nguyễn Thị Vân (Nam Định) ngồi lặng im, ánh mắt nhìn xa xăm có phần đượm buồn. Thi thoảng, chị lại nhìn lên bảng số thứ tự bệnh nhân và khẽ thở dài.

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú, chị kể, ngay từ khi mới nhập viện, dù có bảo hiểm, chị vẫn chọn sử dụng máy xã hội hóa và mất thêm chi phí để rút ngắn thời gian điều trị.

Thế nhưng thực tế, số lượng bệnh nhân mỗi ngày lên đến hàng trăm người, trong khi số máy móc chỉ đếm trên đầu ngón tay nên dù bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm hay dịch vụ đều phải mòn mỏi đợi chờ.

“Thời gian xạ trị chỉ mất độ 5 phút nhưng thời gian đợi chờ đến lượt thì lâu vô cùng. Hiện tại, có 6 máy thì đến 2 máy hỏng. Các máy còn lại chạy hết công suất nên đợi chưa biết bao giờ đến lượt, có khi phải thức trắng đêm” - chị Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh (Hà Nội) mắc ung thư trực tràng có phần thuận lợi hơn so với các bệnh nhân khác khi sinh sống chỉ cách bệnh viện khoảng 20 phút di chuyển bằng xe máy. Tuổi già, sức yếu, mỗi một lần vào viện xạ trị lại như 1 lần cực hình đối với người đàn ông này.

“Quá mệt mỏi, vất vả. Tôi xạ trị đến lần này là mũi thứ 25 thì có đến 20 mũi phải vào viện khung giờ 2h sáng. Những ngày trời tạnh ráo còn đỡ, khổ nhất là khi mưa gió, trở trời. Về đến nhà cũng đã 3h30 - 4h sáng, coi như thức trắng đêm” - ông Minh chia sẻ.

Ông Minh bày tỏ mong muốn, thời gian tới, bệnh viện sẽ đầu tư thêm trang thiết bị để phục vụ người dân, tránh tình trạng xếp hàng xuyên đêm đợi chờ đến lượt.

9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K - cho biết, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân ung thư phải thức cả đêm xạ trị.

Hiện nay, bệnh viện cần khoảng 10 máy xạ trị nữa, giá một máy 130 tỉ đồng, nên để đầu tư thì cần rất nhiều tiền, bệnh viện không thể lo nổi.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện K, thực tế, trong quá trình thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, bệnh viện không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vay và huy động vốn nên đơn vị không dám thực hiện.

"Chúng tôi mong nhà nước đầu tư 3-5 năm nữa, sau đó chúng tôi chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn hiện tại chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60 thì phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này"- ông Quảng nói.

* Tên nhân vật trong bài viết đã thay đổi *

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vật vã xuyên đêm đợi xạ trị - nỗi ám ảnh của bệnh nhân ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO