Vành đai 4 khởi công đúng hẹn, nhiều việc khó vẫn đang chờ

Ngọc Tân| 24/06/2023 13:13

Với việc khởi công dự án Vành đai 4 ngày 25/6, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giữ được "lời hứa" cách đây 9 tháng. Tuy vậy chặng đường tiếp theo vẫn còn dài với nhiều công việc khó đang chờ đợi.

Với việc ấn định lễ khởi công dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô vào ngày 25/6, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cơ bản đã giữ được "lời hứa" cách đây 9 tháng rằng "Hà Nội sẽ khởi công Vành đai 4 trong tháng 6/2023".

Mặc dù khởi công đúng hẹn, chặng đường tiếp theo của dự án vẫn còn dài với nhiều công việc khó đang chờ đợi.

Khởi công không đồng loạt

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ban quản lý dự án xây dựng công trình Giao thông Hà Nội cho biết lễ khởi công dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô sẽ diễn ra vào ngày 25/6 tại nhiều điểm cầu. Đây là lễ khởi công chung, đánh dấu thời điểm bắt đầu thi công dự án.

Vành đai 4 khởi công đúng hẹn, nhiều việc khó vẫn đang chờ - 1

Đoạn vành đai 4 cắt qua sông Hồng tại vị trí cầu Mễ Sở, kết nối huyện Văn Giang (Hưng Yên) và huyện Thường Tín, Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân).

"Sự kiện khởi công này được tính cho toàn bộ dự án vành đai 4, chúng tôi không đặt vấn đề khởi công các gói thầu hay dự án thành phần. Dĩ nhiên không phải tất cả gói thầu sẽ khởi công đồng loạt vào ngày 25/6", vị này chia sẻ.

Trên thực tế, UBND Hà Nội mới chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục để khởi công đường song hành (dự án thành phần 2.1) với chiều dài 58km, chia thành 4 gói thầu.

Hiện dự án thành phần 3 - đường cao tốc Vành đai 4 - mới đang trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước xem xét phê duyệt. Do đó, việc thi công hạng mục này sẽ chậm lại khoảng một vài tháng.

Dự án Vành đai 4 có 7 dự án thành phần. Trong đó, TP Hà Nội phụ trách 2 dự án gồm (1.1) Giải phóng mặt bằng đoạn qua Hà Nội và (1.2) Xây dựng đường song hành qua Hà Nội.

Tỉnh Hưng Yên phụ trách 2 dự án gồm (1.2) Giải phóng mặt bằng đoạn qua Hưng Yên và (2.2) Xây dựng đường song hành qua Hưng Yên.

Tỉnh Bắc Ninh phụ trách 2 dự án gồm (1.3) Giải phóng mặt bằng đoạn qua Bắc Ninh và (2.3) Xây dựng đường song hành qua Bắc Ninh.

Riêng dự án thành phần 3 - cầu cạn cao tốc Vành đai 4 - được thống nhất đầu tư theo phương thức BOT và giao TP Hà Nội làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ẩn số nhà đầu tư BOT

Theo tờ trình báo cáo khả thi, dự án thành phần 3 sẽ được đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn 55.052 tỷ đồng. Đây là dự án đối tác công tư có quy mô lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam.

Trong đó, khoảng 26.600 tỷ đồng vốn ngân sách sẽ dùng để đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn tuyến từ trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7km.

Vành đai 4 khởi công đúng hẹn, nhiều việc khó vẫn đang chờ - 2

Phối cảnh cầu cạn cao tốc và đường song hành của tuyến vành đai 4 Hà Nội. (Ảnh: PMU Giao thông Hà Nội).

Còn lại, TP Hà Nội sẽ kêu gọi 28.456 tỷ đồng vốn BOT để đầu tư xây dựng đường cao tốc từ nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trước nút giao Quốc lộ 6 (không bao gồm cầu Hồng Hà), từ sau nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến trước nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long (không bao gồm cầu Hoài Thượng).

Thành phố ước tính thời gian thu phí hoàn vốn là 25 năm. Mức lãi suất lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm. Kết quả tính toán cho thấy dự án thành phần 3 đảm bảo hiệu quả tài chính.

Vành đai 4 khởi công đúng hẹn, nhiều việc khó vẫn đang chờ - 3

Hướng tuyến của đường vành đai 4 Vùng thủ đô. (Đồ họa: Tuấn Huy).

Phóng viên liên hệ Hiệp hội nhà đầu tư đường bộ Việt Nam (VARSI) và một số doanh nghiệp từng quan tâm đến dự án như T&T. Tuy nhiên, các đơn vị này đều chưa đưa ra ý kiến do đang chờ Nhà nước công bố hồ sơ mời thầu PPP.

TS Nguyễn Thanh Bình cho biết có nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư giữ thái độ cẩn trọng khi tìm hiểu dự án vành đai 4, trong đó có bối cảnh vừa qua khởi tố nhiều vụ án kinh tế, cộng với sự đi xuống của thị trường bất động sản và việc chuẩn bị ban hành Luật Đất đai.

"Để triển khai thành công, theo tôi có 2 yếu tố quan trọng cần lưu ý là năng lực kinh nghiệm và nguồn lực tài chính của nhà đầu tư", ông Bình chia sẻ.

Về vấn đề năng lực nhà đầu tư, thực tiễn nhiều dự án lớn dù tiền có sẵn nhưng gặp rất nhiều vướng mắc do cách tổ chức, quản lý. Ngược lại, nếu có kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo thì các điều kiện về nguyên vật liệu hay kỹ thuật sẽ không phải là vấn đề lớn.

Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có tổng chiều dài 113,52km, trong đó đoạn qua TP Hà Nội khoảng 57,95km, Hưng Yên khoảng 19,31km, Bắc Ninh khoảng 26,56km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7km.

Riêng hạng mục cao tốc vành đai 4 sẽ có 39,86km đi dưới thấp (35% tổng chiều dài) và 73,66km đi trên cao (cầu cạn).

Cầu cạn cao tốc được thiết kế với tĩnh không tối thiểu 7,5m. Mặt cắt ngang cao tốc có 4 làn xe (bề rộng đường 17-17,5m). Dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau 4-5km, không liền mạch.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vành đai 4 khởi công đúng hẹn, nhiều việc khó vẫn đang chờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO