Ven tuyến độc đạo từ thôn Điềm vào thôn Gadoong (xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), ở đâu chúng tôi cũng ghi nhận được dấu tích thiên nhiên bị xâm phạm tàn bạo. Dọc hai bên nhánh sông Nước Trong (một nhánh của sông Vàng) là bãi đá cuội nham nhở kéo dài hàng km.
Bình, một người dân địa phương cho biết đó là những gì “vàng tặc” để lại sau nhiều năm móc lòng sông để tìm vàng. “Nhánh sông có tên là Nước Trong, nhưng quanh năm đục ngầu vì hoạt động đào đãi vàng ở thượng nguồn. Do vàng ở những nơi này đã khai thác cạn kiệt, người ta lại đưa máy móc đến những khu vực khác, trong đó có khu vực rừng tại thôn Gadoong, có cả điểm khai thác ngay gần chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh”, anh Bình tiết lộ.
Trên đường vào khu vực rừng thuộc thôn Gadoong, chúng tôi lội bộ băng qua nhiều con suối đục ngầu, nhiều đồi keo tai tượng còi cọc, lúp xúp trên lớp đá phong hóa được san gạt sau khi đào đãi vàng. Xung quanh nhiều gốc cây nhỏ như ngón tay là lớp đất bùn lẫn sái quặng xám xịt. Gần lối mòn phía trước chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh là vài khoảnh đất rừng bị bóc lớp bề mặt dang dở, những đống đất đá bên cạnh một hố bùn nhão nhưng “vàng tặc” đã rút đi.
Đứng trước chốt bảo vệ rừng nhìn về hướng 3h, có thể thấy 2 lán trại của những nhóm người khai thác vàng cách đó chừng 200-300m, bên cạnh chiếc xe múc và những bãi đất đá rộng hàng trăm m2 được đào xới để lấy quặng. Một phần diện tích đất trồng keo tai tượng đã bị cày xới, đào đãi vàng, ngay giáp khu vực dự án trồng rừng cây gỗ lớn của BQL rừng phòng hộ huyện Đông Giang.
Thấy "người lạ" xuất hiện trong khu vực, những người đang khai thác khoáng sản trái phép nhanh chóng dừng hoạt động và đi vào lán trại. Khi chiếc flycam bay đến khu vực trên để ghi hình, một vài thanh niên trong lán trại bước ra ném đá liên tục.
Tiếp cận khu vực hoạt động của nhóm “vàng tặc”, chúng tôi phát hiện nhánh sông bị chặn lại để dẫn nước vào một hố quặng. Cạnh đó là hệ thống máy sàng, các thùng dầu máy, thùng chứa cyanua và các dụng cụ để lọc đãi vàng. Trong lán trại nhỏ, có 2 thanh niên nằm võng, giả vờ ngủ khi chúng tôi đến gần. Bắt chuyện hồi lâu, một thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cho biết mình làm thuê cho người khác và được trả tiền công 270 ngàn đồng/ngày và sau đó im lặng trước mọi câu hỏi.
Ở lán một trại lớn hơn, có khoảng 10 người thản nhiên bước ra ngoài xem... phóng viên tác nghiệp.
Cách đó chừng 30 phút đi bộ về hướng thượng nguồn sông Vàng, việc khai thác vàng trái phép diễn ra với quy mô lớn hơn nhiều lần. Những vạt rừng nguyên sinh dọc hai bên bờ sông đã bị “cạo trọc”, đất đá được xới tung trên diện tích hàng chục ngàn m2, kéo dài hơn 1km dọc suốt hai bên bờ sông. Khoảng 10 lán trại được dựng lên để làm chỗ ở cho các lao động làm vàng. Hầu hết các lán trại đều nuôi gà, vịt và cá sông để phục vụ việc bám trụ, khai thác vàng dài ngày.
Cũng như ở điểm khai thác thứ nhất, hoạt động khai thác vàng tại điểm này đã sớm dừng lại khi các phóng viên có mặt tại khu vực này.
Ba hệ thống sàng đãi quặng cùng với những chiếc máy nổ công suất lớn nhanh chóng được xe cơ giới cẩu lên và mang đi cất giấu nhưng vẫn bị chúng tôi phát hiện. Tại khu vực khai thác, vẫn còn các ống dây dẫn nước để tuyển quặng dài hàng trăm mét và một số thùng phuy chứa dầu máy. Hàng chục công nhân nhanh chân tản vào trong rừng để tránh mặt. Một số khác nằm lại trong lán trại nhưng giả vờ không nghe, không trả lời mọi câu hỏi. Không những vậy, một thanh niên còn cầm chiếc dao rựa, hầm hè nhìn chúng tôi…
Theo thông tin ban đầu, chủ của hai bãi khai thác vàng trái phép nói trên là người ở xã Ba và xã Tư, huyện Đông Giang. Rất đáng chú ý, khi chúng tôi tác nghiệp, có một nhóm người liên tục xin dừng làm việc để “thương lượng”. Phát hiện nhóm người này còn bám theo hàng mấy chục cây số xuống đến địa phận Đà Nẵng, thông qua một người khác đề nghị được “trao đổi”, chúng tôi đã từ chối và "cắt đuôi"...
Khi được hỏi về tình trạng khai thác vàng trái phép ngang nhiên diễn ra gần chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh, Trưởng chốt A Rất Rưng cho rằng chỉ có trách nhiệm giữ chốt và trồng cây theo dự án trồng cây gỗ lớn. Còn việc khai thác vàng trái phép thì ngay trên lâm phần do chốt quản lý, ông A Rất Rưng trả lời: “Việc đó phải hỏi sếp, chứ mình không biết, sếp chỉ giao mình nhiệm vụ trồng cây” (?!).
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tập trung vào vàng, cát, sỏi. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng tổ chức nhiều đợt truy quét, phá hủy tại chỗ các dụng cụ phục vụ cho việc làm vàng trái phép tại huyện Đông Giang cũng như các địa phương khác.