"Vàng - ngọt" mùa hồng giòn Đà Lạt

Đỗ Thiệm (Báo Lâm Đồng)| 02/11/2021 16:49

Khi ở Hà Nội rộ cốm mùa thu quyện trong mùi hương sen dịu mát, thì cũng là lúc Đà Lạt đang “vàng - ngọt” trong mùa hồng chín.

Hồng Đà Lạt có thể cung cấp cho khách hàng ở nhiều nơi cả trong và ngoài nước. (Ảnh: Nhật Quỳnh)

• RỰC VÀNG, VẤN VƯƠNG LÒNG KHÁCH ĐẾN

Theo chân những người nông dân ở xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt vượt qua những triền đồi dốc uốn lượn, từ xa vườn hồng giòn đã hấp dẫn chúng tôi bởi một màu vàng rực. Thời điểm này là cuối thu nên những cây hồng ở đây đã rũ bỏ gần hết lá xanh, chỉ còn trơ cành khẳng khiu như cố gồng mình nâng đỡ những chùm quả vàng trĩu nặng.

Biết chúng tôi là khách xa tới, đang tất bật thu hái hồng, một lão nông ở thôn Trạm Hành 2, xã Trạm Hành vui vẻ chia sẻ, không biết giống hồng giòn này được trồng ở đây từ khi nào, chỉ biết từ khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này ông đã thấy những cây hồng đến mấy chục năm tuổi vươn mình trong sương gió, cứ đều đặn mỗi năm thay lá một lần, đâm chồi nảy lộc vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai (âm lịch), rồi nở hoa, kết trái, và đến khoảng tháng Tám, thì lá bắt đầu rụng dần và trái cũng dần ngả màu vàng, báo hiệu mùa thu hoạch đang đến gần.

Có lẽ nhờ sắc vàng rực khi vào chính vụ nên không chỉ đơn thuần là loài cây ăn trái, hồng ở Đà Lạt cũng “làm du lịch” cùng người dân. Bởi có những nơi xa trung tâm thành phố như xã Trạm Hành, xã Xuân Trường, du khách được hòa mình vào “không gian vàng” dưới những vườn hồng rộng đến vài hecta. Ở đó, khách có thể đung đưa cùng chiếc xích đu ngắm bầu trời trong xanh dưới tán những cây hồng cổ. Nếu muốn, du khách có thể tự tay mình nâng niu những chùm hồng vàng trĩu nặng hay chọn hái cho mình vài trái chín căng tròn mà không cần phải nhờ đến thang hay ghế.

Cũng có nơi hồng được trồng xen canh, từ xa nhìn lại những cây hồng như đóa hoa lớn rực vàng vượt lên cao hơn trên nền cà phê xanh biếc, là đề tài cho những du khách có đam mê “săn ảnh” tìm đến. Không ít nơi hồng được trồng dưới hiên nhà, bên ô cửa sổ hay ngay khoảng sân nhỏ trước nhà,…khi vào mùa đều rực vàng cùng với muôn loài hoa đua sắc tạo nên khung cảnh thơ mộng mà biết bao du khách đã phải dừng bước để kịp lưu lại cho mình khoảnh khắc đáng nhớ “có một, không hai” khi đến Đà Lạt vào mùa hồng.

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch, nhưng không vì thế mà không khí thu hoạch hồng ở đây kém phần nhộn nhịp, nhất là từ khi Nhà nước có chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.

Chỉ vào những ngày trời không mưa, khi những giọt sương mai cuối cùng khô trên tán lá, khi đó những thợ hái hồng “lão luyện” mới ra tay. Bởi theo kinh nghiệm truyền đời của nông dân ở đây thì hồng thu hoạch về phải khô, “tai” - đài hoa không đọng nước mới ngon và bảo quản được lâu hơn.

Cách mà nông dân ở đây thu hoạch hồng cũng rất đặc biệt, chứng kiến họ nâng niu những trái hồng càng trân quý một “đặc sản” đã trở thành thương hiệu gắn liền với Đà Lạt. Trên tay mỗi người là một cây sào dài từ 2 đến 3 mét, có khi lên đến 5 mét mới thu hoạch được những trái hồng trên cây cổ thụ. Thay bằng móc câu hay lưỡi kéo ở đầu sào để hái xoài hái bưởi,…thì người ta đã khéo léo chẻ nhỏ đầu những cây sào tre, kết thành chiếc phễu nhỏ xinh vừa đủ để hứng trọn từng trái hồng từ trên cao xuống, mà theo người dân ở đây nếu để bị rơi, trái hồng sẽ dập nát hoặc khi bổ ra sẽ bị “chết nhựa” không giữ được vị ngọt và màu vàng tự nhiên.

• NGỌT DỊU, LƯU LUYẾN MÃI NGƯỜI VỀ

Từ muôn nẻo gần, xa, những bao hồng căng đầy được vận chuyển về, lần lượt được đổ ra, nhuộm vàng cả khoảng hiên trước những ngôi nhà bình yên. Công việc sơ chế hồng cũng được người dân ở đây cho là khâu quan trọng. Những người phụ nữ cần mẫn, nhẹ nhàng lựa chọn từng trái hồng để phân loại phù hợp tùy thuộc vào thời gian ăn được của hồng giòn hay mục đích chế biến làm hồng sấy, hồng treo gió,…

Theo chia sẻ của người dân thì hồng ủ hơi (còn gọi là hồng giòn) là phổ biến nhất, được nhiều người ưa dùng, nhưng khi làm phải loại bỏ những trái mềm, hoặc bị dập hay còn xanh, đóng vào túi nilon kín, trong có lót lớp giấy báo để hút hơi nước, chừng 5 đến 7 ngày sau là lấy ra ăn được mà không cần qua ngâm nước hay xử lý bất kỳ loại thuốc nào.

Thấy tôi có vẻ do dự vì mới lần đầu biết đến hồng Đà Lạt, dù rất bận rộn với công việc ủ hồng, đóng gói gửi cho khách hàng ở tận Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội,…bà Nguyễn Thị Nụ, Tổ dân phố Hùng Vương, P.9, TP. Đà Lạt vẫn dành thời gian gọt những trái hồng ủ mời chúng tôi: “hồng Đà Lạt giòn và ngọt lắm, không có vị chát như hồng ngâm ở nơi khác, cháu cứ ăn thử đi, ngon thì hãy mua, loại nhỏ, đầu bằng này thì không có hạt, còn loại “cồ” - lớn và hơi nhọn kia thì có hạt, nhưng loại nào cũng ngon cả”.

Những trái hồng căng mịn được gọt bỏ lớp vỏ mỏng, bổ dọc làm đôi vẫn giữ một màu vàng nhạt từ ngoài vào trong. Điều đặc biệt hơn hồng ở những nơi khác mà tôi đã từng được thưởng thức, đó là độ xốp, giòn và vị ngọt thanh dịu còn đượm lại nơi khoang miệng mãi lúc sau.

Không chỉ làm hồng ủ hơi theo truyền thống, nhiều cơ sở, hợp tác xã ở đây còn làm thành hồng sấy hay hồng treo gió công nghệ Nhật Bản có quy mô lớn, được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hồng Đà Lạt để có thể cung cấp cho khách hàng ở nhiều nơi cả trong và ngoài nước.

Hồng sấy có hai loại là nguyên trái và một nửa trái (còn gọi là hồng dẻo miếng). Để làm ra hồng sấy, phải chọn lựa những trái hồng thật chín, khi ăn sẽ không bị chát. Sau khi gọt vỏ hồng được mang đi rửa sạch, để miếng hồng làm ra có màu sắc tươi đẹp, không bị đen. Sau đó trái hồng được đưa vào lò sấy trong nhiều giờ. Tùy theo thời gian sấy sẽ cho ra lò miếng hồng dẻo hay miếng hồng khô.

Những trái hồng được chọn làm hồng treo gió là hồng tươi, cứng chắc tay, không dập, không có vết côn trùng cắn, trái hồng phải to, đạt độ chín nhất định thì mới cho sản phẩm ưng ý. Sau khi rửa sạch, để ráo và gọt vỏ, hồng được treo trên dây thành chuỗi, phơi ở nơi thoáng gió, không có ánh nắng trực tiếp trong khoảng thời gian 3 đến 4 tuần.

Dù là hồng sấy dẻo, sấy khô hay hồng treo gió, nhưng đều có một điểm chung là vẫn giữ được nguyên vẹn vị thanh ngọt và hương thơm dìu dịu đặc trưng của hồng giòn Đà Lạt.

Đến Đà Lạt, ghé vào bất kỳ hàng quán nào cũng có thể ngồi nhâm nhi tách trà nóng và thưởng thức những sản phẩm từ hồng Đà Lạt. Giữa tiết trời se se lạnh, nhịp sống như chậm lại, cái vị thơm ngọt dịu dàng “kết tinh từ đất lành” ấy như còn lưu luyến mãi khi đã rời xa thành phố mộng mơ này.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/vang-ngot-mua-hong-gion-da-lat-c9a18868.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/vang-ngot-mua-hong-gion-da-lat-c9a18868.html
Bài liên quan
  • Bức ảnh ‘cổng trời’ tại Việt Nam gây sốt mạng xã hội
    Bức ảnh “cổng trời” tại Việt Nam đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh này không chỉ thu hút được lượt tương tác cao mà còn khiến nhiều người thắc mắc đây là ở đâu và người chụp là ai?
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Vàng - ngọt" mùa hồng giòn Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO