U nang ống mật chủ là gì?
Theo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), u nang ống mật chủ là hiện tượng dãn to ≥ 1cm, bẩm sinh của ống mật chủ. Biểu hiện của u nang ống mật chủ khác nhau tùy theo tuổi.
Ở trẻ mới sinh và trẻ nhỏ bệnh thường được biểu hiện bằng vàng da hay khối u bụng. Biểu hiện đau bụng ít gặp hơn.
Ở trẻ lớn biểu hiện hay gặp là nhiều lần đau bụng, đôi khi có thể kèm theo sốt, vàng mắt, vàng da (viêm đường mật).
Ngày nay với sự phát triển của siêu âm trước sinh, đa số các trường hợp u nang ống mật chủ đều được phát hiện trước sinh.
Các trường hợp cần tiến hành phẫu thuật
Đối với các trường hợp được chẩn đoán trước sinh không có vàng da, vàng mắt có thể mổ lúc trẻ khoảng 3 tháng tuổi. Nếu kèm theo vàng mắt, vàng da mổ sớm hơn lúc 1-2 tháng tuổi.
Đối với các trường hợp khác mổ sớm sau khi được phát hiện.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đây là kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Kỹ thuật này dùng để điều trị u nang ống mật chủ với việc cắt toàn bộ nang ống mật chủ và túi mật, nối ống gan chung - hỗng tràng. Tuy nhiên, do chỉ phẫu thuật qua một lỗ, nên việc thực hiện kỹ thuật sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nội soi thông thường.
Trước đây phẫu thuật được tiến hành bằng mổ mở (mổ phanh) nhưng do có nhiều hạn chế như: cắt nhiều cơ, đau, hồi phục chậm, sẹo mổ xấu nên ngày nay phương pháp nội soi được áp dụng cho tất cả các trường hợp.
"Việc phẫu thuật nội soi một vết mổ qua rốn, hay phẫu thuật nội soi một đường rạch là phẫu thuật nội soi chỉ dùng một vết mổ nhỏ (ở trẻ em thường dưới 2cm) đặt các dụng cụ nội soi vào phẫu thuật thay cho phải rạch nhiều vết mổ riêng biệt ở các vị trí khác nhau như phẫu thuật nội soi thông thường.
Ưu điểm của phương pháp này là ít vết mổ hơn phẫu thuật nội soi thông thường, giảm sang chấn, ít đau hơn, phục hồi có thể nhanh hơn. Đặc biệt, kết quả thẩm mỹ tốt hơn nhiều cho bệnh nhân vì không để lại sẹo mổ, khi chỉ có một vết mổ rộng chừng 15mm, so với mổ nội soi thông thường phải có 4 vết mổ rộng từ 5-15mm", BS Sơn nói.
Cũng theo chuyên gia này, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người mắc bệnh này chỉ có phương pháp duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ đoạn đường mật đã giãn. Bệnh phát hiện ở các giai đoạn khác nhau vì nhiều khi cơn đau không rầm rộ, chỉ thoáng qua nên bệnh nhân chủ quan không đi khám, hoặc không làm xét nghiệm, hay do nhầm bị đau dạ dày. Vì thế, rất nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn, kết quả không được như ý.
Để có thể phát hiện sớm trẻ mắc bệnh này, PGS.TS Trần Ngọc Sơn khuyến cáo, các phụ huynh nhận biết những dấu hiệu ở trẻ như vàng da, đau bụng, khi có khối ở bụng là đã muộn. Khi trẻ bị đau bụng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế và phải siêu âm bụng để chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm.