Những lời quảng cáo hoa mỹ
“Bài thuốc khắc tinh số 1 được Bộ Y tế công bố, chữa dứt điểm đau xương khớp chỉ sau 15 ngày” - ngay sau khi đọc được bài quảng cáo này trên mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Bình (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã lập tức đặt mua 1 liệu trình với giá 2 triệu đồng.
Bà Bình cho biết, chồng bà bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhiều năm nay. Vì vậy, khi thấy bài quảng cáo về bài thuốc đông y giúp chữa khỏi bệnh trong vòng chưa đến 1 tháng, bà Bình “vui như bắt được vàng”.
“Khi đó tôi mừng lắm vì thấy họ quảng cáo người bị nặng thì cũng chỉ mất gần 1 tháng là khỏi, còn nếu nhẹ chỉ mất 15 ngày. Họ còn viết dòng họ đã 5 đời làm nghề y nên tôi nghĩ rằng chắc là uy tín” - bà Bình kể lại.
3 ngày sau khi đặt mua trên mạng, sản phẩm đã được giao đến nhà bà. Ngoài ra, bà còn được tặng kèm 1 hộp cao xoa xương khớp. Thế nhưng, 2 tháng trôi qua, tình trạng bệnh của chồng bà Bình không hề thuyên giảm. Khi liên lạc lại với người bán, thứ bà Bình nhận lại chỉ là những tiếng chuông điện thoại kéo dài.
Anh Hoàng Đức Cường (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) từng rơi vào trường hợp tương tự khi đặt mua thực phẩm chức năng để điều trị khô khớp đầu gối. Anh Cường cho biết, thời điểm đặt mua hàng, anh được quảng cáo chỉ mất khoảng 30-45 ngày là tình trạng bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không khỏi, đơn vị này sẽ hoàn lại tiền 100%. Tuy nhiên, dù đã sử dụng sang lọ thuốc thứ 3, anh Cường vẫn thấy đau mỏi khớp.Tràn lan quảng cáo sai quy định
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Như vậy bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của Lao Động, hiện tại trên các nền tảng mạng xã hội đang quảng cáo tràn lan các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Những bài quảng cáo này thường dùng các cụm từ như “khắc tinh số 1”, “điều trị dứt điểm”, “cam kết không tái phát”... nhằm thổi phồng chức năng của sản phẩm, đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Đáng nói, một số đối tượng còn mạo danh các bác sĩ, thầy thuốc chân chính nhằm mục đích tăng uy tín cho sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan quản lý vẫn đang rất quyết liệt để xử phạt những trường hợp quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã xây dựng phần mềm phát hiện các quảng cáo này.
Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện gần 500 đường link vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng chuyển cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để xử phạt.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.