Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, thiếu dòng tiền và đặc biệt là sức mua, thanh khoản giảm mạnh. Thực trạng này đang khiến không ít văn phòng môi giới ở Hà Nội phải đóng cửa, một số văn phòng chuyển sang làm nơi bán trà đá, nơi rửa xe…
Ghi nhận tại khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho thấy, hàng loạt văn phòng môi giới bất động sản được mọc lên thời điểm "sốt đất" 2 năm trước hiện không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp mời chào mua nhà, đất nền như trước đây. Một số văn phòng cầm cự vẫn mở cửa, số khác thì "cửa đóng then cài".
Anh Nguyễn Quốc Khánh - chủ một văn phòng môi giới ở khu vực trên cho biết, sau tháng 4, văn phòng anh gần như không kết nối được khách hàng, không có giao dịch được thực hiện. Đến tháng 10 vừa qua, sau cuộc cắt giảm nhân sự, văn phòng của anh buộc phải đóng cửa để chờ thị trường ấm trở lại.
"Hiện tại, văn phòng đóng cửa nhưng tôi vẫn phải trả mặt bằng thuê. Nhưng nếu không đóng cửa thì tiếp tục gánh thêm nhiều chi phí", anh Khánh nói.
Cũng theo ghi nhận của Dân trí, tại đây, một số văn phòng môi giới bất động sản đang được tận dụng mặt bằng làm chỗ rửa ô tô, bán trà đá.
"Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu vẫn được nhân viên văn phòng tư vấn. Nhưng hiện tại, để tận dụng mặt bằng đang phải thuê, chúng tôi cũng kết hợp làm thêm một số dịch vụ khác để có chi phí", một chủ văn phòng môi giới ở An Khánh chia sẻ.
Tương tự, không ít văn phòng ở khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng đóng cửa. Nguyên nhân cũng là do thị trường trầm lắng, không có thanh khoản.
Nhìn nhận thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển nhanh, tác động đến nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thị trường này gần đây lại có một số dấu hiệu phát triển không ổn định, thể hiện ở một số khía cạnh.
Về nguồn cung, theo ông Sinh, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Đến hết quý III năm nay, cả nước có 104 dự án đang triển khai (bằng 51% so với cùng kỳ) và 63 dự án nhà ở thương mại hoàn thành.
Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Cơ cấu nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân lại ít, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Vì thế, giá nhà ở mức cao, người dân khó tiếp cận. Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp khiến cho dự án bất động sản dừng thi công.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Đồng thời, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Ngoài ra, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động.
Trước đó, theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống. Trong tình cảnh hiện tại, nhiều dự án đang triển khai phải tạm dừng, nhân viên môi giới bất động sản phải nghỉ việc bớt để giảm áp lực tài chính cho công ty.
Trong khi đó, nhiều môi giới cho biết, vài tháng qua, thị trường hầu như không có giao dịch thực nên họ phải chịu lỗ với các khoản chi phí quảng cáo đã đổ ra. Quá chán nản nên nhiều người đã bỏ nghề; đội, nhóm tan rã.