Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, hôm 12/7, một rạp chiếu phim ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã lên tiếng xin lỗi, sau khi cơ sở này đưa ra thông báo không tiếp đón những người từng mắc Covid-19. Trước đó, thông báo về quy định hoạt động của rạp chiếu phim đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của dư luận Trung Quốc trước cáo buộc phân biệt đối xử.
Một tài khoản Weibo đăng thông tin cho biết Rạp Chiếu phim Phật Sơn ở thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông đã cho sửa đổi quy định đón tiếp khách mang nội dung phân biệt đối xử với những người từng mắc Covid-19 dù đã hồi phục.
Y tá lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho những người được đưa vào bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải hồi tháng Tư. (Ảnh: EPA-EFE) |
Nội dung trong thông báo của Rạp Chiếu phim Phật Sơn được công bố hôm 8/7 nhấn mạnh, những bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng đã được xuất viện, các ca mắc Covid-19 nhưng không phát triệu chứng và đã được rời khỏi các cơ sở cách ly tập trung, cùng những cá nhân vẫn đang được theo dõi y tế đều bị cấm vào rạp chiếu phim.
Theo truyền thông Trung Quốc, quy định trên cũng từng được nhắc tới trong thông báo về những yêu cầu đón khách vào Rạp Chiếu phim Phật Sơn từ đầu tháng 12/2021. Ngoài ra, những người có 10 triệu chứng bất thường bao gồm sốt, khô họng, mệt mỏi, mất khứu giác và vị giác, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, đau mắt đỏ, đau cơ và tiêu chảy cũng bị cấm vào Rạp Chiếu phim Phật Sơn theo nội dung trong thông báo vào tháng 12 năm ngoái.
Sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trước cáo buộc phân biệt đối xử, Rạp Chiếu phim Phật Sơn đã cho sửa thông báo vào trưa ngày 12/7. Theo nội dung đính chính, những bệnh nhân mắc Covid-19 và những ca mắc Covid-19 không phát triệu chứng đã khỏi và được xuất viện nhưng vẫn phải theo dõi sức khỏe tại nhà hiện bị cấm tới rạp chiếu phim.
Đây không phải là lần đầu tiên những người mắc Covid-19 ở Trung Quốc bị phân biệt đối xử. Bởi trên thực tế, những người mắc Covid-19 dù đã khỏi bệnh những vẫn rất khó có thể xin việc làm tại thành phố Thượng Hải ở thời điểm hiện tại.
Trong những ngày gần đây, trên mạng internet tại Trung Quốc, nhiều bài báo đưa tin về vấn nạn phân biệt đối xử việc làm đối với những người mắc Covid-19 đã hồi phục. Nhiều tờ báo của Trung Quốc cho biết một số vị trí việc làm ở trong công ty còn nhấn mạnh họ không tuyển những ứng viên có tiền sử mắc Covid-19.
Điển hình, một bài báo được công bố hôm 11/7 khiến dân mạng Trung Quốc "dậy sóng" về việc một cô gái buộc phải sống trong nhà vệ sinh công cộng ở Nhà ga Hồng Kiều tại thành phố Thượng Hải do không thể tìm được công việc vì từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh.
Nguyên nhân khiến cô gái khó xin việc là do các công ty lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 vẫn có thể tái dương tính.
Liên quan tới chuyện các bệnh nhân mắc Covid-19 đã hồi phục vẫn có thể lây bệnh cho người khác, hồi tháng Ba, ông Jiao Yahui, Giám đốc Cục Quản lý Y tế thuộc Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết các nghiên cứu y khoa cho thấy những bệnh nhân mắc Covid-19 đang trong quá trình phục hồi khi giá trị CT từ 35 trở lên, họ không còn khả năng lây bệnh. CT là viết tắt của ngưỡng chu kỳ, một giá trị xuất hiện trong các xét nghiệm RT-PCR. Giá trị CT là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện virus SARS-CoV-2.
Tới tháng Tư, ông Hu Bijie, thành viên nhóm chuyên gia điều trị Covid-19 tại Thượng Hải, cũng cho biết các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục và có kết quả tái dương tính Covid-19 hoặc được xác nhận tái mắc Covid-19 không có khả năng lây bệnh cho người khác, hoặc không bị xem là nguồn lây.
Tuy nhiên, vào tháng Sáu, Sixth Tone đưa tin hai công ty tuyển dụng Pudong New Area và Songjiang District có trụ sở ở Thượng Hải đã đăng thông báo loại các ứng viên từng mắc Covid-19. Thậm chí, thông báo tuyển dụng của 2 công ty còn nhấn mạnh những người từng làm việc tại cơ sở cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến cũng bị cấm nộp đơn.
Phản hồi sau những bài báo nêu lên vấn nạn phân biệt đối xử trong công việc, tại cuộc họp báo hôm 11/7, chính quyền Thượng Hải nhấn mạnh các chủ lao động không thể sa thải hoặc từ chối thuê người từng mắc Covid-19 vào làm việc.
Ngay sau đó, cô gái từng phải sống tạm trong nhà vệ sinh công cộng ở Nhà ga Hồng Kiều tại Thượng Hải đã tìm được công việc tại một công ty chuyển phát nhanh nhờ sự giúp đỡ của nhiều người.
Minh Thu (lược dịch)