Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối!

31/03/2023 20:05

Bạo lực học đường là vấn đề chưa bao giờ thôi nhức nhối, vừa là những nỗi đau vừa ảnh hưởng đến nhân cách của những người bạo hành và bị bạo hành.

Bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng

Bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Hàng loạt vụ việc xảy ra cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng và rồi để lại những hậu quả hết sức đau lòng.

Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có 1 trường có học sinh đánh nhau. Nghiêm trọng hơn, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn.

Hậu quả khôn lường sau khi bị bạo lực học đường

Câu chuyện dưới đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ điển hình của các vụ bạo lực học đường đang diễn ra ở một số trường học hiện nay. Một cái đấm, một cái tát, một cú đá hay những lời chửi rủa, tất cả đều là những hành vi bạo lực có thể gây ra hậu quả nặng nề về cả thể chất và tâm lý của nạn nhân, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách của những người bạo hành và bị bạo hành.

Sau trạng thái kích động của con trai, chị Bích chỉ còn biết đứng ngoài theo dõi con từ xa. Do bị các bạn trong lớp trùm áo vào đầu rồi đánh hội đồng, cậu học sinh lớp 7 phải chuyển từ bệnh viện tỉnh Phú Thọ lên bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 2.
Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ: "Tôi rất đau, rất buồn, nói đến lại không kìm được nước mắt. Tôi chỉ mong cháu vượt qua được những sợ hãi, vượt được mặc cảm bạo lực học đường, bệnh tật để đi học".

Thời gian gần đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý. Việc điều trị những tổn thương do bị bạo hành lại càng phức tạp, lâu dài.

Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: "Các tác hại liên quan đến cơ thể thì chúng ta có thể thấy ví dụ như bầm tím, gãy xương, chấn thương sọ não hay nặng hơn có thể tử vong. Ngoài các tổn thương về cơ thể, chúng tôi thấy hậu quả nặng nề và lâu dài hơn đó là các tổn thương về tinh thần. Có những trẻ từ chối không muốn đến trường nữa, nặng hơn có thể gây ra các rối loạn tâm thần, ví dụ các trường hợp trầm cảm, thậm chí có những bạn đã tự tử".

Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 4.
Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 5.

Cũng theo bác sĩ, những nạn nhân của bạo lực học đường có thể có xu hướng bạo lực người khác bởi học cách sử dụng bạo lực trong việc giải quyết vấn đề. Những vết tím bầm rồi cũng sẽ phai nhưng vết thương tâm lý thì chưa biết bao giờ mới có thể lành lặn

Cần quan tâm giáo dục trẻ nói không với bạo lực học đường

Các em học sinh bị bạo hành thường có những dấu hiệu như lo lắng, mệt mỏi, không muốn đến trường, có các vết trầy xước hoặc những cơn đau bất thường. Vì thế, phát hiện và phòng ngừa bạo lực học đường là cả một quá trình cần sự nỗ lực của cha mẹ, thầy cô và của chính các em học sinh.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám hiệu trường THCS Xuân An đã liên tiếp có những buổi họp phụ huynh với các học sinh có liên quan. Từ những mâu thuẫn nhỏ cộng thêm tính hiếu thắng của tuổi dậy thì đã gây ra những vụ bạo lực học đường không đáng có. Những va chạm tưởng như chỉ là trò đùa của các cô cậu học trò lại để lại những hậu quả hết sức đau lòng.

Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 6.

Thầy giáo Hà Thanh Liêm - Hiệu trưởng trường THCS Xuân An, Phú Thọ - chia sẻ: "Trên địa bàn xã Xuân An cũng có khoảng hơn 20% các cháu ở với ông bà vì bố mẹ đi làm ăn xa nên giáo dục từ gia đình chưa thực sự tốt. Nhiều khi là trò chơi của các cháu nhưng lại là sự việc đáng tiếc. Chúng tôi cũng hết sức rút kinh nghiệm để làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho các cháu".

Con dại, cái mang, nếu những tâm tư và vấn đề của trẻ không được quan tâm và phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng xảy ra những sự việc ngoài tầm kiểm soát.

"Đau đớn, em mệt rồi. Trong đầu em lúc này chỉ nghĩ đến chết đi cho xong. Em bị bạo lực học đường..." - những lời tâm sự giấu tên của một cô bé trong Hội những người bị bạo lực học đường - cô lập - Body shaming chỉ là một trong rất nhiều những lời tự sự thường xuyên được đăng tải trong các hội nhóm như thế này trên mạng xã hội. Đau lòng thay, chắc hẳn nhiều cha mẹ không biết con mình đang rơi vào tình trạng như thế này. Thay vì để những sự việc rắc rối xảy ra rồi mới giải quyết, ngay từ sớm, chúng ta cần vun đắp cho tâm hồn con trẻ về chân - thiện - mỹ và cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh.

Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 8.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Chúng ta cần phải xem xây dựng văn hóa góp phần phát triển đạo đức của mỗi cá nhân là nhiệm vụ của từng gia đình, đoàn thể và toàn xã hội. Khi chúng ta có sự nhận thức đồng bộ và nhất quán thì ta sẽ có hành động cụ thể tạo ra ý thức, hành vi đúng đắn của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những tấm gương tốt, việc làm hay lan tỏa liên quan đến văn hóa học đường".

Chung tay xây dựng môi trường học đường an toàn, tích cực

Một trong những cách làm hay có thể phần nào hạn chế những vụ bạo lực học đường là mô hình "Mái trường an toàn" được triển khai hơn 1 năm nay do Công an quận Hà Đông, Hà Nội khởi xướng kết hợp với các trường học. Đây là sân chơi bổ ích nhằm trang bị kiến thức về pháp luật nói chung và bạo lực học đường nói riêng, giúp các em có "tấm áo giáp" tự nhiên phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vừa học vừa chơi, bước ra khỏi lớp học, những kiến thức khô khan của pháp luật sẽ trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn qua những trò chơi trí tuệ, phiên tòa giả định hay các bức tranh đầy màu sắc.

Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối! - Ảnh 9.

Em Đỗ Ngọc Huyền My - học sinh lớp 9A4, trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội - bày tỏ: "Không phải cứ mâu thuẫn là chúng ta xử lý bằng cách bắt nạt, nói xấu tẩy chay và bạo lực nhau. Đây là cách giải quyết sai lệch. Em nghĩ mình cần có kỹ năng bảo vệ bản thân, giữ cho mình tâm thế hòa bình và cách giải quyết thật sự văn minh".

Em Nguyễn Phùng Ngọc Nam - học sinh trường THCS Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội - chia sẻ: "Những bạn học sinh đang bị rủ rê, bị lôi kéo và xa đọa trên con đường này thì họ không hề nhận thức được. Khi chúng ta càng chê bai, càng chỉ trích và xa lánh những con người đó thì họ càng bị lay động và họ sẽ không kiềm chế được bản thân mình, từ đó hậu quả rất lớn kéo theo. Đối với em, em sẽ hỏi han, giúp đỡ bạn và tuyên truyền với mọi người về bạo lực học đường".

Với mục tiêu "Quyết liệt - sáng tạo - hiệu quả - lan tỏa sâu rộng", mô hình đã nhân rộng trên 81 điểm trường với hơn 90.000 học sinh. 35 buổi tọa đàm trong 1 năm qua góp phần nâng cao hiểu biết của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội: "Hình thành đạo đức cho học sinh phải là công tác thường xuyên liên tục với các hình thức để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, tác động trực tiếp tới tâm lý và tình cảm của học sinh".

Chủ động xây dựng môi trường học đường lành mạnh và chú trọng nuôi dưỡng nhân cách của trẻ ngay từ nhỏ sẽ giúp các em học sinh biết yêu thương bạn bè, xót xa trước nỗi đau của người khác và từ đó trở thành một công dân tốt trong tương lai.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn bạo lực học đường: Chưa bao giờ thôi nhức nhối!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO