Bắt đầu hình thành “văn hoá từ chối rượu bia”
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cùng Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2020 như một “quả đấm thép” dành cho những “ma men” sau tay lái.
Theo đó, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm các quốc gia “không khoan nhượng” với việc sử dụng rượu, bia khi lái xe. Có nghĩa là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0 mg/l khí thở đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp.
Đã uống rượu bia - không lái xe |
Với mức phạt tăng rất cao, lên đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng đối với ô tô đã khiến nhiều lái xe dù muốn hay không cũng phải cân nhắc và đành “đặt chén rượu xuống” trước khi cầm vô-lăng.
Khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe” không chỉ là câu nói cửa miệng mà thực sự đã được cánh tài xế ghi nhớ nằm lòng, dần dần hình thành “văn hoá từ chối rượu bia”.
Câu nói: “Thông cảm, tôi phải lái xe”, đã trở thành một tấm “kim bài miễn uống” cho cánh tài xế trong những cuộc nhậu.
Bớt đi một “ma men” có nghĩa là bớt đi một mối nguy hiểm lớn khi ra đường.
Từ việc sợ phạt nguội...
2020 là năm mà lực lượng cảnh sát giao thông đã được đầu tư nhiều trang thiết bị, hệ thống camera giám sát giao thông để phát hiện, phạt nguội hiệu quả các phương tiện vi phạm, đặc biệt là ô tô.
Những hành vi vi phạm dù nhỏ cũng có thể bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Nếu như những năm trước, hình ảnh ô tô xe, máy vô tư vượt đèn đỏ khi thiếu vắng bóng dáng của lực lượng chức năng xảy ra “như cơm bữa” thì trong năm vừa qua, hành vi “xấu xí” này đã có xu hướng giảm đáng kể, nhất là tại các thành phố lớn.
Danh sách ô tô vi phạm bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát liên tục được cập nhật trên các cổng thông tin của Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương và Cục Đăng kiểm khiến nhiều tài xế buộc phải nghiêm chỉnh tuân thủ.
Chỉ cần một pha vượt đèn đỏ, một lần đi sai làn, một cú "mát ga", hay dừng đỗ sai quy định là vài hôm sau, phương tiện có thể bị "bêu tên" lên các cổng thông tin.
Từ tâm lý “sợ” bị phạt, cánh lái xe đã hình thành thói quen tham gia giao thông một cách ngay ngắn, trật tự hơn.
Nhường đường cho người đi bộ
Tuy việc nhường đường cho người đi bộ sang đường tại nơi quy định đã được ghi rõ trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhưng trên thực tế, rất hiếm tài xế quan tâm đến vấn đề này. Tuy vậy, một tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều người điều khiển ô tô, xe máy đã chủ động nhường đường cho người đi bộ.
(Nguồn video: Mạng xã hội)
Trong năm vừa qua, hình ảnh những lái xe đi chậm, thậm chí dừng hẳn lại để người đi bộ sang đường liên tục được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội, giúp lan toả những điều tốt đẹp phía sau tay lái.
Một cái gật đầu hay giơ tay cảm ơn của người đi bộ sang đường an toàn có lẽ là phần quà đáng giá nhất cho mỗi tài xế biết nhường nhịn.
Ưu ái cho “lái mới”
Ở nhiều nước trên thế giới, những người mới có bằng lái xe khi ra đường được dán một tem nhận diện và nhận được một số ưu ái nhất định. Tại Việt Nam trong năm vừa qua, nhiều lái mới cũng chủ động dán tờ giấy trên xe dạng như “Lái mới, xin thông cảm!”.
"Ưu ái" nhường đường cho lái mới là hành động đẹp của nhiều lái xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Tuy chưa hề có quy định trong Luật nhưng khi nhìn thấy tờ giấy này trên một chiếc xe nào đó, đa số tài xế khác đều có xu hướng nhường nhịn, cảm thông.
Hơn ai hết, họ hiểu rằng, để trở thành một “lái cứng” thì ai cũng từng phải trải qua những ngày đầu bỡ ngỡ khi đường, rất cần sự ưu ái trong một số tình huống. Đó là cách hành xử văn minh!
Có thể thấy, để xây dựng và hình thành một vài thói quen tốt trong cộng đồng cần rất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động và đặc biệt là không thể thiếu những chế tài xử lý.
Một thói quen tốt được hình thành bởi lý do gì đi chăng nữa thì đó vẫn là điều đáng mừng. Thói quen tốt khi được lan toả sẽ là những gam màu sáng, điểm tô cho bức tranh văn hoá giao thông muôn màu sắc.