Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi 'chạy trường, chạy điểm, chạy bằng tốt nghiệp'

22/08/2022 20:36

Văn hóa dạy và học biến dạng, xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường, chạy điểm, chạy bằng tốt nghiệp”, sau đó thì “chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc”.

Nhận định trên được PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương chỉ ra tại hội nghị "Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hoá học đường", tổ chức chiều nay (22/8).

Theo ông Quát, tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất. Văn hóa dạy và học biến dạng, xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc”.

Đặc biệt là tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và trước hôn nhân của học sinh, sinh viên, tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên…

Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi 'chạy trường, chạy điểm, chạy bằng tốt nghiệp' - 1

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương.

Ông cho rằng, đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành Giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. "Thực trạng yếu kém trên đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường, mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới", PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Theo ông, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa “học để làm người” của giáo dục. Văn hóa học đường là môi trường văn hóa đặc biệt quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam.

Bên cạnh một số tồn tại, thời gian qua, ngành giáo dục nỗ lực tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục, đạo đức, lối sống thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và xây dựng bộ quy tắc ứng xử; thực hiện việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân bằng cách tăng cường liên hệ với thực tiễn, các tấm gương người tốt việc tốt và đề cao trách nhiệm nêu gương mọi nơi mọi lúc của các thầy giáo, cô giáo…

Nhìn chung, phần lớn thế hệ trẻ trong nhà trường hiện nay có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, sức khỏe tốt, tinh thần cầu thị trong học tập, khả năng ứng dụng những kiến thức trong học tập vào thực tiễn. Các em cũng có thái độ quý trọng thầy cô, đoàn kết giúp đỡ bạn học, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Từ đó, ông nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển văn hóa học đường Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là trách nhiệm trực tiếp của ngành giáo dục đào tạo mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Vẫn còn bệnh thành tích

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, Quốc hội đẩy mạnh thể chế hóanội dung phát huy giá trị văn hoá, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong các đạo luật, các nghị quyết, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan.

Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi 'chạy trường, chạy điểm, chạy bằng tốt nghiệp' - 2

Toàn cảnh hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Mẫn cho rằng vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp.

Mặt khác, ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.

Hà Cường
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi 'chạy trường, chạy điểm, chạy bằng tốt nghiệp'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO