Theo đó, chiều ngày 10/01/2022 (17 giờ 45 phút), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
UBCKNN cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Trong khi đó, Tập đoàn FLC (FLC) cũng vừa có văn bản ra ngày 10/1 thay cho văn bản cũ ngày 5/1 báo cáo lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về giao dịch nội bộ của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Theo đó, theo văn bản mới, ông Trịnh Văn Quyết đổi ngày giao dịch bán lô 175 triệu cổ phiếu từ 10/1-17/1 thành 14/1-11/2.
Với thay đổi nói trên, nội dung đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC có thể đã không được thực hiện trong ngày 10/1 như nhiều nhà đầu tư nhận định trong phiên giao dịch bất thường với kỷ lục gần 135 triệu FLC, trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng được trao tay trong phiên giao dịch ngày 10/1.
FLC cũng nhấn mạnh thông báo mới thay thế cho Thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ ngày 05/01/2022.
Tin chứng khoán ngày 11/1: Văn bản hỏa tốc, ông Trịnh Văn Quyết gây sốc, bán chui 78 triệu cổ phiếu |
Theo quy định, thời hạn công bố thông tin của cổ đông lớn, cổ đông sáng lập và cổ đông nội bộ phải trước 5 ngày. Thời hạn báo cáo kết quả thực hiện giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ là 5 ngày làm việc.
Trong phiên giao dịch 10/1, cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết vừa lập kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán: 135 triệu cổ phiếu trao tay trong một phiên bảng giao dịch lần đầu tiên trong 6 tháng bị đơ, không hiển thị giá thực.
135 triệu cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết được chuyển nhượng trong tình trạng cổ phiếu này biến động rất mạnh, từ tăng trần (thêm 7% trong buổi sáng) sang giảm sàn vào buổi chiều, trước khi đóng cửa giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cp.
Sau hơn 6 tháng sàn thông suốt với hệ thống giao dịch mới do Tập đoàn FPT phát triển (nâng giới năng lực xử lý lên 3 triệu lệnh/phiên), thị trường chứng kiến một phiên bảng giá sàn HOSE “đơ”, giá và khối lượng giao dịch các cổ phiếu đứng im, không nhảy trong khoảng nửa tiếng cuối phiên. Trong khi, bảng giá sàn chứng khoán Hà Nội và Upcom vẫn hoạt động bình thường.
Với gần 135 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 1 phiên, FLC trở thành mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Số cổ phiếu này chiếm 20% lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này và chiếm gần 10% thanh khoản sàn HOSE trong phiên.
Hiện FLC có 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Với mức giá từ 21.000 đến 24.100 đồng/cp trong phiên, tổng giá trị chuyển nhượng cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 lên tới khoảng 3.100 tỷ đồng.
Trước giao dịch ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ Tập đoàn FLC. Nếu giao dịch thành công, ông Quyết sẽ chỉ còn nắm giữ 40,4 triệu đơn vị, tương ứng 5,7%.
Trước đó hôm 5/1, Tập đoàn FLC (FLC) đã đăng trên trang web tập đoàn về việc ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1 cho đến 17/1 thông qua phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh để cơ cấu tài sản.
Thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán là quan trọng. Tuy nhiên, thông tin không được tìm thấy trên trang web của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (ssc.gov.vn) hay HOSE (Hsx.vn).
Báo cáo trên trang web FLC cho thấy tập đoàn này gửi thông tin đăng ký bán tới UBCKNN và HOSE.
Cho tới thời điểm sáng 11/1, HOSE vẫn chưa đăng thông tin ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 11/1
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu chịu áp lực chốt lới khiến VN-Index tăng nhẹ lên trên ngưỡng 1.500 điểm.
Theo MBS, thị trường có thể kiểm định lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và phục hồi.
Theo đó, thị trường trong nước có phiên điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, phiên này VN-Index thậm chí đã lập kỷ lục nội phiên, đà giảm mạnh diễn ra trong phiên chiều khi hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra. Các nhóm cổ phiếu midcap và smallcap chịu áp lực chốt lời mạnh khi cả hai nhóm này đang có mức tăng mạnh trong thời gian 6 tháng gần đây.
Thanh khoản toàn thị trường tăng lên 39.475 tỷ đồng so với mức bình quân 29.780 tỷ đồng trong tuần trước. Đây cũng là phiên thứ 5 khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt trên 1 tỷ cổ phiếu và 3/4 lần trước, thị trường đều tăng điểm phiên sau đó.
Tóm lại, biến động thị trường trong phiên này diễn ra mạnh, nhiều cổ phiếu tăng trần hoặc gần trần gặp áp lực chốt lời, thậm chí đóng cửa ở mức giá sàn. Công ty chứng khoán cho rằng mức biến động này là bất thường vì không có bất kỳ thông tin nào bất lợi xuất hiện cả trong và ngoài nước. Về kỹ thuật, MBS nhận định thị trường có thể kiểm định lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và phục hồi.
Chốt phiên 10/1, chỉ số VN-Index chung cuộc được báo giảm 24,77 điểm xuống còn 1.503,71 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 10,95 điểm xuống 482,89 điểm. Upcom-Index giảm 1,31 điểm xuống 114,3 điểm. Thanh khoản đạt 49,9 nghìn tỷ đồng, trong đó trên sàn HOSE đạt 41,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà