Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Diabetes Care, của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ - Bệnh tiểu đường Ấn Độ (ICMR-INDIAB) đề xuất tăng lượng protein lên 20% để kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng bệnh.
Như vậy, liệu protein có thực sự quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường hay thậm chí giúp đảo ngược bệnh không?
Bác sĩ Aditya Chowti - Chuyên gia tư vấn cấp cao - Nội khoa, Bệnh viện Fortis, Cunningham Road cho biết, protein đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu, chúng ta sử dụng protein để duy trì tăng trưởng, cung cấp năng lượng và rất nhiều phản ứng hóa học.
Quan trọng nhất là cơ bắp của chúng ta được tạo ra từ protein mà khi bị bệnh tiểu đường thì rất dễ bị mất cơ. Do đó, điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm một lượng protein tốt.
Đồng tình, Tiến sĩ Priyanka Rohatgi, Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Apollo, Bangalore cho biết rằng lượng protein tăng lên có liên quan đến mức đường huyết được kiểm soát và giảm HBA1c. Bà nói thêm: “Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng protein giúp làm giảm chỉ số đường huyết của bữa ăn và do đó ngăn ngừa sự gia tăng đường huyết sau ăn.
Tiến sĩ Rohatgi lấy ví dụ: “Nếu bạn ăn thịt gà, cá,… sau đó mới ăn cơm thì mức đường huyết sau bữa ăn có thể giảm xuống”.
Tuy nhiên, nếu nói rằng protein có thể đảo ngược tình trạng bệnh là chưa đúng, bác sĩ Aditya Chowti nhấn mạnh: “Ngày nay, khái niệm về sự đảo ngược bệnh tiểu đường đang trở nên rất quan trọng. Nhưng nói rằng protein chịu trách nhiệm cho nó là không đúng.
Điều quan trọng nữa là cần phải tiêu thụ đúng số lượng và loại protein thì mới có khả năng giảm mức đường huyết”.
Giống như mọi thứ khác, tiêu thụ quá nhiều protein có thể gây hại cho sức khỏe của một người.
Khi nói đến protein, bạn có thể chọn protein từ nhiều nguồn như thực vật và động vật. Tuy nhiên bạn cũng cần lựa chọn kĩ các nguồn protein.
Nên chọn ăn gà không da. Cố gắng bổ sung một số nguồn protein từ thực vật như đậu, các loại hạt hoặc đậu phụ.
Nên chọn sữa đông không hương vị, ít chất béo, sữa và kem. Điều này sẽ cung cấp cho bạn protein, canxi, vitamin và khoáng chất trong mỗi khẩu phần ăn.
Không nên ăn thịt nhiều mỡ và thịt đã qua chế biến hoặc đông lạnh. Nói không với các sản phẩm sữa đầy đủ chất béo. Hãy nhớ rằng, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và chất béo dư thừa sẽ góp phần tích tụ mảng bám.