Vai trò của ông Đinh La Thăng trong 2 vụ án thất thoát nghìn tỉ

21/11/2020 17:13

Tại dự án đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và sản xuất Ethanol, ông Đinh La Thăng đều bị xác định có vai trò chính khiến Nhà nước thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng.

Vai trò của ông Đinh La Thăng trong 2 vụ án thất thoát nghìn tỉ
Đang phải thụ án tù 30 năm, ông Đinh La Thăng tiếp tục sẽ phải hầu toà trong 2 vụ án khác. Ảnh: TTXVN.

Ông Đinh La Thăng giữ vai trò chính thất thoát 543 tỉ đồng

Tại bản cáo trạng mới ban hành, Viện KSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB). Ngoài ông Thăng còn có 11 bị can khác bị truy tố.

Sai phạm này của ông Đinh La Thăng khi còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN. Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc đã có những quyết định, chỉ đạo để Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) được chỉ định thầu trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu ở phía Bắc.

Mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của bị can Trịnh Xuân Thanh.

Tại các cuộc họp năm 2008 và 2009, ông Thăng chủ trì kết luận "từ nay đến năm 2010, đối với các công trình chuyên ngành đặc thù và các công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho PVC".

Trên cơ sở chỉ đạo của ông Thăng, bị can Trịnh Xuân Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.

Sau khi PVC có công văn gửi PVB xin chỉ định thầu, lãnh đạo của hai đơn vị này đều được tham gia các cuộc họp định kỳ hằng tháng (từ tháng 5 đến tháng 9.2009) của PVN.

Tại các cuộc họp này, bị can Đinh La Thăng và Trần Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc PVN, đều kết luận, chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng với liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho PVC/Alfa Laval/Delta-T.

PVB tiếp tục thẩm tra và đánh giá liên danh này không đạt rất nhiều tiêu chí để thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục chỉ đạo việc đồng ý chủ trương giao cho Liên danh của PVC thi công gói thầu.

Tháng 3.2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành. PVC đưa ra lý do việc dừng dự án vì đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm...

Cáo trạng xác định dự án Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

Sai phạm với vai trò chủ mưu tại dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương

Trước vụ trên, cuối tháng 8 vừa qua, ông Đinh La Thăng bị truy tố với cáo buộc có những sai phạm khi còn là Bộ trưởng Giao thông Vận tải, để Đinh Ngọc Hệ - Út "Trọc" chiếm đoạt 725 tỉ đồng.

Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Liên quan vụ án còn có 19 bị can khác bị truy tố trong đó có Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", cựu thượng tá quân đội).

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản nhà nước.

Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách nhà nước đã đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, ông Đinh la Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và có những chỉ đạo.

Ông Thăng đã giới thiệu, đưa bị can Hệ vào tiếp cận đề án; sau đó tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Trong khi đó, Hệ đã lợi dụng mối quan hệ trên để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá, bị can này tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Viện Kiểm sát cáo buộc, ông Thăng nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí. Trong khi công ty của ông Hệ đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Quá trình thực hiện, ông Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai đề án, kết quả bán đấu giá được thực hiện không đúng quy định pháp luật để cho Công ty Yên Khánh của bị can Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, phù hợp với giới thiệu ban đầu của ông Thăng.

Hành vi của ông Thăng và cấp dưới khiến Nhà nước thất thoát hơn 725 tỉ đồng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của ông Đinh La Thăng trong 2 vụ án thất thoát nghìn tỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO