Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi

Hà An| 27/05/2022 19:14

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư.

Thông thường, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào phát triển bất thường, từ đó sẽ ngăn chặn được phần lớn sự hình thành của nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, các tế bào ung thư tìm cách "trốn tránh" sự nhận diện này bằng cách thay đổi cấu trúc gen, mã hóa protein… Các thuốc miễn dịch dựa trên cơ chế này tác động vào cơ thể nhằm làm tăng khả năng nhận diện của tế bào miễn dịch đối với tế bào u và từ đó tiêu diệt chúng.

Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi - 1

Trước đây, các liệu pháp miễn dịch cũng đã được nghiên cứu và thử nghiệm trên nhiều bệnh ung thư. Tuy nhiên đa số các liệu pháp này là không đặc hiệu và chưa đem lại hiệu quả rõ ràng trong điều trị ung thư phổi.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra protein PD-1, một loại protein có vai trò ngăn chặn hoặc "làm mù" khả năng nhận diện các tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu khoa học này đã giành được giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học về cho giáo sư James Allison của Đại học California và giáo sư Tasuku Honjo của Đại học Kyoto năm 2018.

Khám phá này đã mang lại những khả năng mới trong điều trị ung thư phổi. Thông qua việc ức chế các điểm/chốt kiểm soát miễn dịch PD-1/PD-L1, CTLA4 ligand/CTLA4, các protein ngăn cản hệ thống miễn dịch bị vô hiệu hóa, từ đó "dọn đường" cho các tế bào miễn dịch nhận diện, tìm và diệt tế bào ung thư.

Kể từ đó, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt nhiều loại thuốc miễn dịch có cơ chế kháng PD-1, PD-L1 hoặc CTLA4 để điều trị các loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Các tùy chọn bao gồm Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab hoặc Nivolumab.

Hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt cho các thuốc Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab được lưu hành và chỉ định điều trị bệnh ung thư phổi. Tùy thuộc thể mô bệnh học, giai đoạn bệnh và chỉ số bộc lộ PD-L1 mà sẽ có chỉ định điều trị khác nhau.

Pembrolizumab: Thuốc được chỉ định điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn. Trong điều trị bước 1, Pembrolizumab có thể được dùng đơn trị nếu độ bộc lộ PD-L1 cao (TPS> 50%) và tải lượng khối u thấp. Các trường hợp tải lượng khối u lớn, hoặc độ bộc lộ PD-L1 trung bình (TPS từ 1-49%) hoặc âm tính (<1 %), cần kết hợp cùng hóa trị bộ đôi platinum. đối với điều trị bước 2, pembrolizumab được dùng đơn trị với các trường hợp bệnh nhân có pd-l1 dương tính (tps>1%).

Atezolizumab: Thuốc là một lựa chọn điều trị bước 1 cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn, kết hợp cùng với thuốc kháng tăng sinh mạch Bevacizumab và hóa trị bộ đôi platinum. Đối với điều trị bước 2, Atezolizumab đơn trị cho thấy hiệu quả kéo dài thời gian sống thêm bệnh không tiến triển hơn so với hóa trị với bất kỳ tình trạng bộc lộ PD-L1 nào.

Durvalumab: Thuốc được chỉ định điều trị củng cố cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III đã hóa xạ đồng thời đạt được lui bệnh hoặc bệnh ổn định.

Bệnh nhân ung thư phổi được các bác sĩ đánh giá lâm sàng toàn diện, chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán giai đoạn, xác định loại mô bệnh học, xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm miễn dịch… và thảo luận cùng người bệnh và thân nhân người bệnh để có thể đưa ra kế hoạch và lộ trình điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vai-tro-cua-lieu-phap-mien-dich-trong-dieu-tri-ung-thu-phoi-20220527180757573.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vai-tro-cua-lieu-phap-mien-dich-trong-dieu-tri-ung-thu-phoi-20220527180757573.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO