Phim của Lý Hải bấy lâu nay vẫn đạt chuẩn sạch sẽ, đại chúng… Tuy nhiên vẫn có những yếu tố có thể gọt rũa để nâng tầm. Với điều kiện anh phải đầu tư thời gian, tâm huyết cho phim nhiều hơn.
Nếu cứ đều đều năm “lật mặt” một lần chắc phim vẫn chỉ dừng lại ở mức đó. Có lẽ doanh thu vẫn tăng đều nên chắc anh cũng không có mấy động lực để vượt qua chính mình.
Các con của Lý Hải đều có vai trong Lật mặt 7. |
Kịch bản còn khiên cưỡng
Lật mặt 7 - Một điều ước là bước chuyển của Lý Hải từ thể loại hành động, giật gân sang tâm lý, gia đình. Mô típ của phim khá cũ. Kiểu “X con không nuôi nổi mẹ già”. “X” ở đây cụ thể là 5.
Khán giả chuẩn bị tinh thần chứng kiến câu chuyện “cười ra nước mắt”. Không chắc tệp khách của các phim Lật mặt trước đã muốn xem kiểu phim này. Nhưng có thể thấy Lý Hải đã có bước chuyển nhẹ khi phim Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh tuy vẫn giật gân nhưng đã hướng nhiều đến đề tài gia đình, đời thường hơn.
Một điều ước không chỉ nói về chữ hiếu, lên án những đứa con. Những đứa con trong phim cũng bình thường như bao người, có những hạn chế, những vấn đề phải đương đầu, nhưng nhìn chung đứa nào cũng yêu thương mẹ. Mỗi đứa một cảnh đời, một nơi cư trú nên Lật mặt 7 cũng mang dáng dấp phim du lịch, hợp chiếu vào dịp nghỉ lễ.
Việc để cho bà mẹ chân bó bột “du lịch” khắp trong Nam ngoài Bắc để đến thăm con là điều khiên cưỡng đầu tiên. Vì chân đau bó bột như vậy ngồi tàu xe, máy bay là bất khả. Có đoạn đâu như bà bị chảy máu (khi đến nhà con cả) mà không hề được đưa đi khám.
Họp bàn phân công chăm mẹ kiểu ngược đời - con không đến chăm mẹ được, mẹ chủ động đến cho con chăm. |
Tuy nhiên chân đau chỉ là cái cớ để bà đi thăm khắp lượt lũ con. Vì khi bà còn khỏe mạnh bình thường, những đứa ở xa lại mải miết lo cho gia đình riêng. Đây cũng là logic thường thấy trong cuộc sống, tuy nhiên bà mẹ đi lại vận động trong nhà còn khó khăn, phải có người kề cận chăm sóc mà nay lại bị bưng đi khắp nơi kể cũng khiên cưỡng.
Bà mẹ lại còn lê nạng đi… lau chùi dọn dẹp khi đến nhà con trưởng đến nỗi làm vỡ đồ quý của con dâu.
Phim cũng khá tinh tế khi diễn tả một thực tế là đôi khi chúng ta cứ nghĩ chỉ cần hiện diện bên người thân là đủ. Nhưng chúng ta đã thực sự để tâm tới người thân hay là vẫn thân ai nấy lo. Chờ đến khi mẹ ngã rồi mới đỡ.
Theo truyền thống của người Việt việc chăm lo phụng dưỡng bố mẹ, con trai trưởng phải chịu trách nhiệm. Nhưng đạo diễn lại để anh Hai Khôn giàu nhất nhà nhưng cũng khôn nhất, khi nghĩ ra kịch bản cho mẹ ở luân phiên nhà mỗi con một tuần.
Tác giả Lý Hải và vợ - nhà sản xuất Minh Hà - chụp cùng người dân tại hiện trường ở Ninh Thuận. |
Để việc này hợp lý hơn, đạo diễn cho gia đình Hai Khôn ở trong một căn hộ cũng thuộc hạng sang nhưng khá chật chội.
Dấu hiệu làm quá
Với Một điều ước, Lý Hải cho thấy bản thân đầy tiềm năng trong mảng phim gia đình. Tuy nhiên vẫn còn những dấu vết của thuở làm phim hành động - có những tình huống căng thẳng không cần thiết.
Bà Hai giống nhân vật kịch hơn phim. |
Gia đình Hai Khôn có điều kiện nhất nên cũng chả có chướng ngại gì đáng kể, thành ra những cảnh kịch tính ở đây càng thêm khiên cưỡng.
Gia đình vẫn “gây” nhau theo những khuôn mẫu cũ kỹ. Kiểu bố mẹ bận rộn bỏ bê con cái, đùng một cái mọi thứ được cởi nút. Bà Hai lại đứng lên nhận lỗi… một cách đầy khách khí và khép nép.
Phim Lý Hải bao giờ cũng nhiều tuyến nhân vật, nhiều bối cảnh. Riêng phim này còn giống như một tập hợp nhiều phim ngắn. Mỗi đứa con sẽ có một câu chuyện riêng để kể.
Khắc họa những gia cảnh bình dân có thể nói là thế mạnh của Lý Hải. Câu chuyện của ngư dân Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên) và thợ xây Sáu Tâm (Trần Kim Hải) đời hơn cả, đi vào những chi tiết của từng đặc thù công việc cho thấy nhà làm phim có sự tìm hiểu kỹ càng.
Có thể thấy phân vai và diễn xuất là điểm rất mạnh của Lật mặt 7.
Nhiều vai diễn vô cùng sống động, như là những nhân vật trong đời thường bước vào màn ảnh. Trong hoàn cảnh đó vai bà Hai lại bị bật ra ngoài.
Bà Hai có kiểu hoàn hảo, mẫu mực của một người mẹ, người bà trong sách giáo khoa đạo đức. Luôn tỏ ra khuôn phép đến khách sáo trước mặt con cái, có lúc bà sợ hãi quá mức như khi làm vỡ đồ, có lúc lại ngây thơ quá như khi thắc mắc và so sánh cách sử dụng đũa giữa hai gia đình.
Nhân vật bà mẹ không bao giờ tỏ ra giận dỗi hay biết đùa. Bà giống như một biểu tượng, một ý niệm chung về người mẹ Việt Nam lúc nào cũng đức độ, hy sinh, cam chịu… Do vậy mà nét diễn của diễn viên Thanh Hằng cũng không thể sinh động, mang tính sân khấu nhiều hơn.
Mô típ mẹ già mòn mỏi ngóng trông con được phim khai thác triệt để. |
Sự vô lý tiếp tục được tận dụng để tạo kịch tính giả ở phân đoạn của Năm Thảo (Trâm Anh). Khó có chuyện mẹ lại không rành về gia cảnh của con mình để nó dễ dàng qua mặt như vậy.
Bà Hai như một bà tiên đi đến đâu cũng giải quyết hết những vấn đề trong gia đình các con.
Khi con cái vẫn coi cha mẹ như chỗ dựa bất biến thì chúng sẽ vô tâm và bươn bả theo đời cơm áo.
Khi chúng hiểu ra cha mẹ cũng cần con cái quan tâm và có thể “biến mất” bất cứ lúc nào chúng tự khắc biết thu xếp đời riêng để đặt mẹ vào vị trí trung tâm. Đó là thông điệp và bài học của Một điều ước. Nó truyền thống, dễ tiếp nhận và không lắt léo như những phim cũng về gia đình của Trấn Thành.
Phim đầu tiên của Lý Hải dán nhãn 13+ hứa hẹn bùng nổ phòng vé khi các gia đình hẳn sẽ kháo nhau đi xem. Với khả năng mở rộng và triển khai đề tài như ở Một điều ước, Lý Hải tất sẽ tiếp tục thống lĩnh phòng vé trong vài năm tới.
Lý Hải chia sẻ phim này làm để tặng mẹ. Nhân vật cũng lấy tên theo mẹ. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến anh chọn cách xây dựng nhân vật kiểu khuôn sáo, không tì vết như vậy. Bà Hai trong phim vì thế buộc phải như một “vị thánh” làm toát lên sự bất toàn của những đứa con.