TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vaccine phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.
Theo báo cáo từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố; từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những con số đáng báo động về dịch bệnh dại trên động vật và trên người.
"Một trong những giải pháp then chốt để ngăn ngừa bệnh dại lây sang người là tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo và quản lý chó mèo. Tuy nhiên, nước ta là một trong những nước có đàn chó, mèo nuôi tương đối lớn (khoảng 8 triệu con), các hộ gia đình thường nuôi thả tự do, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi. Điều này khiến cho việc quản lý đàn chó, mèo cũng như tiêm vaccine cho động vật gặp nhiều khó khăn", TS Hoàng Minh Đức cho hay.
Một bài toán kinh tế có thể dễ dàng nhận ra, tính riêng năm 2023 có 82 ca tử vong do bệnh dại và gần 500.000 người dân phải tiêm vaccine phòng dại, với giá mỗi liều từ 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng. Đồng thời, chúng ta phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng.
Ước tính chi phí tiêm phòng bệnh dại do bị chó, mèo cắn trong năm 2023 lên tới gần 800 tỉ đồng (650.000 người tiêm vaccine phòng dại). 2 tháng đầu năm 2024, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều người sau khi bị chó, mèo cắn đã không đi tiêm phòng bệnh dại vì lo ngại ảnh hưởng đến thần kinh, suy giảm trí nhớ.
BS Đinh Thị Vân Anh - Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm nay ở hầu hết các tỉnh thành. Đây là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỉ lệ tử vong gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Thực tế, vaccine dại thế hệ mới hiện nay rất an toàn, có thể tiêm cho cả phụ nữ có thai và trẻ em ở mọi lứa tuổi. Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.
Từ năm 2007, vaccine phòng bệnh dại cũ đã ngừng sản xuất tại nước ta và được thay thế bằng vaccine thế hệ mới. Điều đặc biệt, vaccine này an toàn cho mọi đối tượng với hiệu quả phòng dại cao.
Một số nguyên nhân thất bại trong điều trị dự phòng bệnh dại:
Tiêm vaccine không đúng vị trí (tiêm mông).
Tiêm huyết thanh kháng dại cùng vị trí với vaccine dại.Không sử dụng huyết thanh kháng dại khi có chỉ định.Không làm sạch ngay vết thương.
Không thấm đẫm/phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.Điều trị muộn.
Trên cơ địa người suy giảm miễn dịch.