Thực hiện nghiêm hoạt động kiểm dịch y tế
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu, Sở Y tế các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25.6.2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
“Biện pháp phòng, chống hiện nay phải tập trung trên 3 nội dung chính. Đó là nguồn lây bệnh, chúng ta phải nhìn nhận ở những nơi nào thông tin ít, chưa đầy đủ, số ca mắc cao. Đặc biệt, việc giám sát các biến thể chưa đầy đủ, hoặc nghe ngóng thông tin các biến thể mới ở nơi nào đó thì lập tức chúng ta phải ứng xử một cách kịp thời” - GS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nói rằng, cần tăng cường công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, đồng thời tăng cường tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị...
Tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Tính đến hết ngày 7.1.2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được trên 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.
Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian. Cùng với đó, việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. Trong đó, việc tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch.
Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát những biến chủng mới bằng cách phối hợp WHO, các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Cần thực hiện chiến lược “nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó”, chuyển từ “cấm đoán sang kiểm soát rủi ro" để vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo việc làm ăn kinh tế, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn là biện pháp tránh lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp khác.
Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền để giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất.
Bộ Y tế cho biết, đang là giai đoạn giao mùa Đông-Xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc...
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa Đông-Xuân, trong dịp lễ, Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.