Uống thuốc trị xương khớp không rõ nguồn gốc, nhiều người lãnh hậu quả

Ngọc Hân| 02/04/2022 12:12

Sau một thời gian uống thuốc trị xương khớp của thầy lang, bà mé nhiều người bị nhiễm độc, phải nhập viện điều trị.

Tay chân teo sau khi uống thuốc trị xương khớp

Những ngày qua, phòng khám A103, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận nhiều người đến khám do trước đó dùng thuốc chữa bệnh đau nhức xương khớp không rõ nguồn gốc, các “thần dược chữa bách bệnh”.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phùng Đức Đạt cho biết hầu hết người bệnh khi đến bệnh viện đều có triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, béo trung tâm, tay chân teo, giữ nước, rối loạn điện giải, loãng xương, loét dạ dày tá tràng…

bvbm.jpg
Một ca bệnh bị ngộ độc chì do uống thuốc nam trong thời gian dài được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho nữ bệnh nhân 30 tuổi, ở Hà Nội bị ngộ độc chì do dùng thuốc nam lâu ngày. Người bệnh nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, tổn thương thần kinh.

Người bệnh cho biết trước đó có uống thuốc nam chữa bệnh đau khớp gối của một thầy lang do người quan mách bảo. Loại thuốc này có dạng bột và viên màu hồng cam.

Sau hai tháng uống thuốc bắt đầu có biểu hiện bị yếu chân tay, xanh xao, sụt cân. Sau đó, chị bị thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, không thể tự nghiêng mình được. Khi tình trạng ngày càng tăng nặng nên được gia đình đưa đến bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong mẫu thuốc nam nữ bệnh nhân uống có hàm lượng chì 2,95%, cao gấp nhiều lần mức cho phép. Nồng độ chì trong máu lên đến 188,79 microgam/100 dL trong khi nồng độ cho phép thấp hơn 10mcg/dL. Bệnh nhân được xác định ngộ độc chì do dùng thuốc nam dài ngày gây tổn thương thần kinh nặng nề và teo cơ.

Sau gần 3 tuần điều trị thải độc chì và chăm sóc đặc biệt, người bệnh đã có thể đứng dậy, tự đi lại được. Tuy nhiên, việc thải độc chì cần điều trị lâu dài, dùng thuốc thải độc kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng.

“Thần dược” chứa corticoid đỡ bệnh ngay, hậu quả khôn lường

Bác sĩ Đạt lý giải, từ trước đến nay, người dân đều có tâm lý có bệnh vái tứ phương nên là điểm yếu để bị lợi dụng. Trong đó, nhiều người bị bệnh lý cơ xương khớp: Đau lưng, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, thoái hóa khớp… tìm đến điều trị tại các thầy lang, bà mé.

thuoc-nam-tri-xuong-khop.jpg

Theo bác sĩ Đại, đây là các cơ sở ý tế không chính thống. Tại đây, người bệnh được cho dùng “thần dược mang tên corticoid” dưới nhiều hình thức: thuốc nam dạng hoàn tán, thuốc tiêm bắp…

Bác sĩ Đạt cho biết “thần dược” trộn lẫn corticoid là chất có tác dụng chống viêm mạnh, người bệnh uống sẽ “đỡ ngay”, cảm giác đau, sưng nề các khớp. Tuy nhiên, bản chất bệnh còn nguyên và người bệnh sẽ bị các tác dụng phụ không mong muốn sau uống thuốc.

Người uống thuốc chứa Corticoid không đúng cách sẽ mắc hội chứng cushing. Hội chứng Cushing là kết quả của việc sản xuất quá mức hormon adrenocorticotropic (ACTH), thông thường là thưa phát do u tuyến yên. Các triệu chứng và dấu hiệu điển hình bao gồm mặt tròn, rối loạn phân bố mỡ: bụng béo, tay chân teo…

Người uống cũng sẽ bị tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, đặc biệt khi kết hợp cùng với thuốc chống viêm giảm đau không steroid; tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương; da teo mỏng, dễ bầm tím, chậm lành vết thương; đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glocom; tăng đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường; tăng huyết áp, có nguy cơ nhiễm trùng…

Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận. Bác sĩ Đạt lý giải, tuyến thượng thận khi đã quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì bài tiêt hormon bình thường nữa.

Bác sĩ Đạt khuyến cáo, người dân khi gặp vấn đề về sức khỏe nên đến khám ở các cơ sở chuyên khóa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị phù hợp.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Uống thuốc trị xương khớp không rõ nguồn gốc, nhiều người lãnh hậu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO