Sống nhờ dòng sông
Gia đình chị Trần Thị Hiền (SN 1969) và anh Nguyễn Văn Việt (SN 1964) là một trong những hộ dân còn sót lại của xóm vạn đò Vạn Thắng Lợi. Từ hơn 100 hộ dân, đến nay xóm chài còn khoảng gần 20 hộ vẫn sống trên những chiếc thuyền, những ngôi nhà phao cũ nát, chắp vá. Họ đều có một mong ước giản dị, được cấp đất tái định cư, lên bờ sinh sống, thoát khỏi cảnh bất trắc trên sông nước.
Sông Hồng có mùa đánh cá chính từ tháng 2 - 5 (âm lịch). Vào những ngày đó, trên sông tấp nập thuyền bè, người đánh cá phải xếp hàng chờ đến lượt (gọi là xếp lốp). Họ đánh cá cả ngày lẫn đêm, ngày nhiều được tới gần trăm cân cá, thu nhập mỗi ngày có khi tới hàng triệu đồng. Còn từ đó trở đi, sông Hồng vào mùa kém cá, nước trong ban ngày không đánh được cá, nương theo con nước thủy triều chỉ đánh được vào ban đêm tới gần rạng sáng.
Chị Hiền đánh cá đêm trên sông Hồng |
Cũng vì thế mà mùa này ít người đánh cá, và cũng vì thế mà chị Hiền mới đánh cá được, không phải tranh giành với ai. Kể từ ngày chồng bệnh, chị trở thành lao động chính trong nhà, mỗi đêm nếu may mắn cũng được khoảng hai trăm nghìn đồng đủ chi phí thuốc thang cho chồng mỗi ngày. Còn nếu gặp con nước thủy triều dâng, lưới không trôi được thì đêm đó trắng lưới, lỗ tiền dầu.
Cách đây 2 năm, trong một lần đánh cá, chồng chị Hiền cứu sống một đôi vợ chồng trẻ, một lần cứu sống những hai người cũng là chuyện xưa nay hiếm ở xóm chài. Đôi vợ chồng này xin phép đi lại, nhận anh chị làm cha mẹ, 4 người con của họ nhận anh chị làm ông bà. Vậy là gia đình nhỏ ấy, mái ấm trên sông ấy lại có thêm những thành viên, thêm những tiếng nói, tiếng cười.
Tùy thuộc vào con nước thủy triều, có hôm chị Hiền sắp lưới đánh cá lúc 23 giờ đêm, có hôm đi 1-2 giờ sáng. Đồ nghề cũng đơn giản, chiếc đèn đeo đầu, điện thoại, lưới đánh cá.
Từ chỗ xóm chài, chị Hiền nổ máy ngược lên phía thượng nguồn khoảng 3 cây số là đến chỗ đánh cá quen thuộc.
Tắt máy, chị bắt đầu thả lưới, thỉnh thoảng đánh đèn đầu báo hiệu cho những chiếc xà lan khổng lồ ngang qua. Kể từ khi thả lưới cho tới khi kéo lưới chừng 30 phút, mùa này thường đánh được các loại cá nhỏ, cá ít tiền như cá mè, cá mòi, cá ngạnh,... có giá vài chục đến hơn trăm ngàn đồng một cân. Mẻ lưới đầu tiên, chị Hiền được con cá mè hơn cân, bán cho lái buôn được 75.000 đồng.
Báu vật của sông Hồng phải kể đến là cá quất (cá lăng), cá chiên, nhưng không phải khi nào cũng đánh được. Có những người 1-2 năm không đánh được con nào, còn chị Hiền dạo gần đây gặp may, mới vừa rồi chị đánh được con quất hơn 9kg, bán buôn giá 750.000 đồng/kg, được gần 7 triệu đồng. Một con cá như vậy bằng cả tháng trời đánh bắt.
Còn thường thường, một tháng chị cũng đôi ba lần đánh được cá trắm đen từ 5-10kg, bán được khoảng 250.000 đồng/kg. Muốn đánh cá được trên sông phải biết xem con nước thủy triều, rồi mùa nào thì đánh cá ấy, đánh lưới chìm hay lưới nổi, cá to thì đánh lưới 10cm, cá nhỏ thì 4-6cm. Tuy nhiên, lộc trời cho bao nhiêu được bấy nhiêu, cũng không biết trước được.
Xa xôi mơ ước an cư
Xóm chài Vạn Thắng Lợi (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) |
Tiền kiếm được bao nhiêu chỉ vừa đủ lo trang trải chi phí sinh hoạt. Gần đây trong một lần đánh bắt, chồng chị Hiền bị ngã dẫn đến bị rạn xương, đi đứng khó khăn.
Khi đi khám bệnh, phát hiện thêm viêm khớp dạng thấp và thoái hóa 2 đốt sống lưng. Năm vừa rồi mổ hai lần, hết mổ tay rồi đến mổ chân, tiền dành dụm trong bao năm tháng cũng đều tiêu cạn. Còn ngày thường, chị phải đều đặn đón người ra bấm huyệt, châm cứu cho chồng, mỗi lần chi phí 150.000 đồng.
Cũng vì khó khăn, đời sống bấp bênh mà đôi ba lần chính quyền địa phương bán đất tái định cư mà anh chị không đủ tiền mua năm bảy chục mét vuông đất. Cái nỗi bần cùng của số phận đẩy đời của hai người gắn liền với nhau, dìu dắt nhau qua quãng đời kham khổ.
Chị thời con gái sinh ra trong một trong gia đình hàng chài, cũng có nhà trên bờ. Anh thời trai trẻ đi bộ đội 3 năm 7 tháng trên Cao Bằng về rồi gắn bó với nghề ngư, nhưng đến đời bố anh thì không còn đất thổ cư trên bờ nữa, cả gia đình sinh sống và làm ăn trên thuyền. Bèo nước gặp nhau dễ đồng cảm, chị gắn bó đời mình với đời anh, sống nương tựa vào sông nước.
Ăn lộc sông, ăn lộc trời, anh chị nuôi 4 người con gái (sn 1988, 1990, 1999, 2004) đều trưởng thành. Ba người con đầu đã lập gia đình, lấy chồng trên bờ, thoát khỏi cuộc sống bấp bênh như cha mẹ.
Cô con gái út đã có công việc ổn định, làm công nhân cách nhà vài cây số. Trong số 4 người con, có duy nhất người con gái thứ ba học đại học, hiện làm cô giáo dạy và can thiệp trẻ tự kỷ. Đây cũng là niềm tự hào, niềm an ủi của anh chị, mỗi khi nghĩ đến, chị Hiền lại cười, lại có thêm sức khỏe để bước tiếp.
Sông Hồng những ngày bình thường đã thấy mênh mông, đã thấy trống trải. Còn những ngày bão gió, cả gia đình phải đi sơ tán trên bờ, nhà không có, phải ngủ lại ở hội trường thôn.
Khi trở lại bến sông ấy, những chiếc thuyền con tuy đã được neo đậu, chằng chịt cẩn thận nhưng vẫn bị sóng đánh chìm. Cuộc sống bất trắc chỉ biết đến hôm nay, mới đầu năm, vợ chồng anh ruột chị Hiền đang đánh cá đêm thì thuyền bị lật, chồng bơi được vào bờ, vợ thì bị đuối nước, 4 ngày sau mới mò thấy xác.
Trên dòng sông này thấy những được mất của đời cũng vô thường như những hạt phù sa. Nếu nhìn từ ngoài xa, chiếc thuyền của anh chị thật tồi tàn, lẻ loi giữa những ngày trở gió. Nhưng khi bước vào trong, người viết bài này cảm nhận được sự ấm áp, sự đồng cảm, yêu thương.
Những bức ảnh lưu giữ những khoảnh khắc gia đình được lồng cẩn thận vào khung kính, treo ở nơi trang trọng nhất trên thuyền. Mỗi dịp lễ tết, hay những ngày bình thường trên chiếc thuyền vẫn tiếng nói, tiếng cười, các con cháu về thăm bố mẹ, ông bà.