Phần lớn bệnh nhân thường đến rất muộn, khi mà thương tổn giải phẫu đã vượt xa khả năng điều trị "phẫu thuật triệt để". Đa số chỉ chẩn đoán được sau khi mổ, hoặc tình cờ khi làm giải phẫu bệnh lý một túi mật được cắt do sỏi hoặc do viêm.
Yếu tố nguy cơ
- Ung thư túi mật gặp nhiều ở nữ, tuổi cao tỷ lệ nữ : nam là 9 : 4 và tuổi trung bình gặp trên 60 tuổi.
- Ung thư túi mật liên quan chặt chẽ đến bệnh lý sỏi túi mật. Sỏi túi mật chính là một tác nhân kích thích cơ học mãn tính từ đó dẫn đến tổn thương thoái hóa ác tính, hơn nữa người ta thấy có sự trùng hợp giữa vị trí phát sinh ung thư và vị trí của viên sỏi.
- Ngoài ra một số tổn thương như: polyp túi mật, túi mật teo, hóa sứ được xem như tổn thương tiền ung thư túi mật.
Biểu hiện lâm sàng
Các biểu hiện lâm sàng của ung thư túi mật thường không đặc hiệu, đây chính là lý do khiến bệnh nhân thường đến muộn.
Ở giai đoạn sớm (khi ung thư còn khu trú ở niêm mạc) được xem là giai đoạn không có triệu chứng, bệnh nhân thường chỉ đau nhẹ ở dưới sườn phải và siêu âm có sỏi túi mật. Giai đoạn sau khi khối u đã lớn, xâm lấn, các triệu chứng lâm sàng phong phú tùy theo tình trạng xâm lấn này. Ngoài các triệu chứng như: đau nhiều dưới sườn phải, gầy sút, chán ăn, nôn hoặc buồn nôn, phần nhiều bệnh nhân có dấu hiệu tắc mật, vàng da, nước tiểu sẫm màu. Điều này là do sự xâm lấn trực tiếp vào đường mật chính hoặc do sự chèn ép vào ống mật chủ bởi khối hay các mạch quanh ống mật chủ, cũng có khi do sự di chuyển vào lòng ống của tổ chức ung thư.
Chẩn đoán
Vì các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của ung thư túi mật đều không đặc hiệu nên việc chẩn đoán trước khi mổ thường rất khó khăn. Các trường hợp có nguy cơ nhiễm ung thư túi mật cao như: sỏi túi mật ở nữ, có tuổi, túi mật teo, hóa sứ, polyp.