Ăn quá nhiều đồ ngọt
Qua nghiên cứu, GS Yukio Tiancai - Đại học Nihon (Nhật Bản) đã phát hiện ra rằng, những người thường ăn thực phẩm nhiều đường có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 4 - 5 lần so với những người bình thường, do chức năng miễn dịch của họ bị suy yếu.
Ví dụ, trong ung thư vú, sau khi phụ nữ tiêu thụ đường, lượng đường trong máu của họ tăng lên và insulin được tiết ra với số lượng lớn để điều tiết. Vú phụ nữ là cơ quan hấp thụ rất nhiều insulin, nếu insulin trong vú liên tục duy trì ở mức cao sẽ làm tăng khả năng hình thành các tế bào ung thư.
Theo một số nghiên cứu, việc sử dụng đường nhân tạo (thường là đường đơn, đường đôi- đường có nhiều trong nước uống có gas, nước ngọt- thường là HFCS) có liên quan đến bệnh lý ung thư. Một nghiên cứu ở Pháp trên hơn 100.000 người, đã chỉ ra việc sử dụng quá nhiều loại đồ uống này làm gia tăng 1,18 lần ung thư chung, 1,22 lần ung thư vú.
Hút thuốc, uống bia rượu
Một số lượng lớn các nghiên cứu dịch tễ học đã xác nhận rằng, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của ung thư phổi. Hơn 90% trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ có liên quan mật thiết đến hút thuốc lá thụ động và chủ động.
Theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, người uống bia rượu từ trung bình đến nặng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thanh quản từ 2 - 5 lần so với người không uống bia rượu.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí học thuật Cancer Monthly của Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngay cả việc uống rượu nhẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở người trưởng thành.
Ăn đồ quá nóng
Các niêm mạc của cơ thể con người rất mỏng manh và chỉ có thể chịu được thực phẩm ở nhiệt độ tối đa từ 50 đến 60 độ C. Trên nhiệt độ này, niêm mạc của chúng ta sẽ bị bỏng.
Việc niêm mạc liên tục bị bỏng vì thói quen ăn uống khi thực phẩm còn quá nóng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư hóa.
Cụ thể, ăn thức ăn quá nóng trong thời gian dài sẽ gây tổn thương khoang miệng, thực quản, niêm mạc dạ dày, dẫn đến các tình trạng như: viêm niêm mạc mãn tính, bạch sản miệng, viêm thực quản, viêm teo dạ dày và các bệnh khác. Những tình trạng này diễn ra kéo dài có thể khởi nguồn cho ung thư.
Theo một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người uống đồ uống nóng, rất nóng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Nghiên cứu của cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại đồ uống nóng là "chất có thể gây ung thư cho con người".