Bác sĩ Trần Cảnh, Bệnh viện K cho biết, với bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, phát hiện ở giai đoạn sớm không chỉ mang lại cơ hội điều trị tốt, mà người bệnh có thể giảm thiểu đau đớn nhờ can thiệp nội soi bằng kỹ thuật ESD.
Với phương pháp này, người bệnh không phải chịu một cuộc mổ mở, đau đớn, hậu phẫu lâu, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.
Mới đây, anh Nguyễn Hữu Toàn (SN 1969, ở Đà Nẵng) đến tái khám tại Bệnh viện K sau hơn 3 năm điều trị ung thư dạ dày bằng kỹ thuật nội soi, trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trước đó, năm 2019, khi xuất hiện các triệu chứng khó thở, sau ăn hay ợ hơi, anh chỉ nghĩ mình bị viêm dạ dày thông thường nên đi kiểm tra tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. Tại đây, bác sĩ cho biết, dạ dày của anh có ổ loét và chẩn đoán anh bị ung thư dạ dày. Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật cắt dạ dày.
Anh Toàn cho biết, do có người quen làm bác sĩ ở Hà Nội, nên anh đã ra Bệnh viện K khám. Kết quả các xét nghiệm, chiếu chụp, nội soi dạ dày xác định anh bị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn này, bệnh nhân hoàn toàn có thể được can thiệp qua nội soi bằng kỹ thuật ESD. "Khi can thiệp, tôi không thấy đau đớn gì. Đến nay, đã hơn 3 năm, sức khỏe tôi vẫn bình thường và thực hiện khám định kỳ hàng năm", bệnh nhân Toàn chia sẻ.
Không chỉ bệnh nhân Toàn, nhiều bệnh nhân ung thư đã đến Bệnh viện K và được can thiệp qua nội soi điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa bằng kỹ thuật ESD. Ông Đặng Văn Dương (quê Hải Dương) phát hiện ung thư thực quản năm 2020, người quen là bác sĩ đã giới thiệu đến Bệnh viện K.
Tại đây, BS Trần Cảnh đã kiểm tra cho bệnh nhân, xác định ông bị ung thư giai đoạn sớm tại phần thực quản còn lại và chỉ định cắt bỏ mô ung thư qua nội soi bằng kỹ thuật ESD. Chỉ sau 24 giờ sau can thiệp, bệnh nhân đã ăn uống bình thường.
BS Trần Cảnh cho biết, ESD (Endoscopic Submucosal Dissection) hay còn gọi là kỹ thuật can thiệp cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi ống mềm là thủ thuật can thiệp tối thiểu trong điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa giúp bệnh nhân bảo tồn nguyên vẹn ống tiêu hóa.
Để thực hiện được kỹ thuật này, năm 2017, Bệnh viện K đã cử bác sĩ sang Nhật Bản học. BS Cảnh cho biết, trong thời gian học tại Nhật Bản, ông nhận thấy đa phần bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa đều được can thiệp nội soi ESD, trong khi ở thời điểm đó ở Việt Nam, con số bệnh nhân được can thiệp bằng kỹ thuật này còn rất khiêm tốn.
Khi trở về Việt Nam, tháng 3/2018, bác sĩ Cảnh thực hiện ca ESD đầu tiên cho bệnh nhân nữ 73 tuổi (quê Nghệ An) ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Bệnh nhân được thực hiện can thiệp bằng kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc (ESD), loại bỏ toàn tổn thương nhưng không phải cắt dạ dày hay điều trị hóa chất. Đến nay, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh.
Đến nay, đã có khoảng 1.000 ca ung thư đường tiêu hóa được thực hiện bằng kỹ thuật ESD tại các vị trí như dạ dày, đại tràng, thực quản, u dưới niêm, với rất nhiều kích thước và vị trí khác nhau. Trong đó, có những vị trí rất khó như góc bờ cong nhỏ dạ dày, tâm vị, thân vị với kích thước lớn, hoặc dính khi bóc tách.
Bác sĩ Cảnh cho biết, những năm gần đây, số lượng các bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa tăng mạnh. Nếu được chẩn đoán sớm, bệnh nhân có cơ hội can thiệp loại bỏ hoàn toàn khối u bằng kỹ thuật ESD. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm đó là kỹ thuật ít xâm lấn, giúp bảo tồn nguyên vẹn ống tiêu hóa, trả lại cho bệnh nhân cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Hơn nữa, thời gian nằm viện ngắn, chỉ 24 giờ sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể ăn uống đi lại. Đặc biệt, sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu chi phí điều trị, chất lượng cuộc sống được nâng cao, không gây đau đớn, không rụng tóc, không mệt mỏi. Và điều đặc biệt là có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh ung thư quái ác.
Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ thực hiện được ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm. Vì thế, BS Cảnh khuyến cáo người dân cần chú ý chăm sóc sức khỏe, có thói quen thăm khám bệnh định kỳ ngay cả khi chưa có triệu chứng nghi ngờ. Phát hiện sớm sẽ mang lại cơ hội điều trị tốt cho bệnh nhân ung thư, với tỉ lệ khỏi bệnh cao ở những người phát hiện từ giai đoạn sớm.
Đến nay, kỹ thuật ESD đã được Bệnh viện K chuyển giao đến nhiều bệnh viện khác trong cả nước. Tính tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện K đã tổ chức 3 khóa "sàng lọc và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa" do bác sĩ Trần Đức Cảnh giảng dạy, với gần 30 bác sĩ ở các bệnh viện trên khắp cả nước.
Bác sĩ Hoàng Thu Trang (BV Nội tiết Trung ương) cũng là người tiếp cận khá sớm với nội soi can thiệp. Bác sĩ Trang cho rằng, kỹ thuật ESD là siêu khó. Nếu như kỹ thuật nội soi có 10 nấc, thì kỹ thuật ESD ở bậc thứ 10. Theo đó, dễ nhất là nội soi dạ dày, tá tràng rồi đến cắt polyp nhỏ, polyp lớn… cuối cùng mới là ESD. Người bình thường có thể đạt đến điểm 7, người xuất sắc là bước số 9, 10.
Theo bác sĩ Trang, kỹ thuật ESD hiện phát triển nhất ở Nhật, Hàn… Đây là kỹ thuật tinh vi, cực kỳ khó, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ. Ngoài ra, không phải ai đi học ESD về cũng làm được mà còn tùy vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân.
Bác sĩ Trang khẳng định, chìa khóa để điều trị ung thư là giai đoạn sớm khi còn khu trú, chưa di căn đến các vị trí khác. Tuy nhiên, phát hiện ung thư sớm không dễ, cần có kiến thức lớn. Đối với kỹ thuật ESD, can thiệp này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.