Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để tự động áp dụng chu kỳ kiểm định mới cho xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Theo phương án này, chủ xe không cần mang xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định.
Lý giải cho ý tưởng trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, hiện số xe cá nhân dưới 9 chỗ đến hạn đăng kiểm lên tới 33-43% trên tổng số phương tiện đến hạn. Hơn nữa, xe cá nhân dưới 9 chỗ không sử dụng nhiều và được người dân bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên tỷ lệ đạt kiểm định lần thứ nhất của nhóm này đạt khoảng 95%.
"Do đó, xe cá nhân dưới 9 chỗ không cần thiết kiểm định lại trước khi giãn chu kỳ mà vẫn đảm bảo yêu cầu an toàn. Nếu các phương tiện áp dụng ngay chu kỳ kiểm định sẽ giảm tải cho các trung tâm", lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định.
Ủng hộ quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, Thông tư 02/2023 đã cho phép xe gia đình được giãn chu kỳ đăng kiểm nhưng nếu không cho giãn ngay tại thời điểm này thì không giải quyết được vấn đề ùn tắc.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam không đưa ra quy định hồi tố với các phương tiện đã đăng kiểm. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, hồi tố là đối với những chu kỳ trước đây đã kết thúc rồi mà bây giờ mới cho giãn. Còn những xe đang diễn ra ở chu kỳ này thì không phải là hồi tố.
Thế nhưng, ông Quyền nhận định, ngay cả khi hồi tố mà có lợi cho người dân thì vẫn cần thiết phải làm, điều này pháp luật không cấm.
Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, đề xuất của hai hiệp hội cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định đối với xe gia đình có đủ căn cứ về mặt pháp lý.
Đồng thời, Chủ tịch VATA tin rằng, đề xuất sớm được triển khai sẽ giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc đăng kiểm nghiêm trọng hiện nay. Vì trên cả nước đang có 3,1 triệu xe thuộc diện giãn chu kỳ kiểm định. Lượng xe chiếm tới 35- 40% tổng số xe phải đi kiểm định.
Tuy nhiên, hiệp hội VATA cho rằng, các trung tâm đăng kiểm nên bố trí nhân viên tiếp nhận hồ sơ riêng thay vì đi chung với các xe đến kiểm định theo dây chuyền.
"Chủ phương tiện không cần đưa phương tiện đến mà chỉ mang giấy chứng nhận đăng ký và sổ kiểm định. Các trung tâm đăng kiểm bố trí hai luồng riêng chắc chắn sẽ giảm ùn tắc", ông Quyền nói và cho biết thêm, dù vậy, để sửa nội dung này tại Thông tư 02 vừa ban hành thì các cơ quan chức năng phải xin cấp có thẩm quyền cho phép sửa Thông tư 02 theo thủ tục rút gọn.
Vừa qua, nhằm hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã kiến nghị lên Chính phủ giảm bớt thủ tục để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải phóng tình trạng ùn tắc đăng kiểm.
Liên hiệp hội cho rằng, các phương tiện thuộc đối tượng được giãn chu kỳ kiểm định chỉ cần mang theo giấy đăng ký và sổ kiểm định để cập nhật dữ liệu, nhận tem kiểm định mới phù hợp với thời gian được gia hạn.
"Số lượng 3,1 triệu xe được giãn chu kỳ kiểm định tự động sẽ đủ để hạ nhiệt công tác kiểm định hiện nay", đại diện VLA khẳng định.
2,5 triệu xe cần được kiểm định trong 6 tháng tới
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã đưa 66 trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động với công suất tối thiểu do không đăng kiểm viên. Cũng vì thế, 40 trung tâm khác chưa thể hoạt động trở lại.
Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam việc ùn tắc đang diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành phố. Riêng tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình, mỗi tỉnh chỉ có 1 trung tâm nhưng đều đang dừng hoạt động.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, 800.000 phương tiện hiện tại đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định. Số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng lên tới 2,5 triệu xe.
Thế nhưng, năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động chỉ khoảng 550.000 xe/tháng. Như vậy, các trung tâm đăng kiểm cần 6 tháng để giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại. Tại Hà Nội và TPHCM, lượng phương tiện cao hơn nên thời gian sẽ phải kéo dài thêm.