Ứng dụng gọi xe từng "hất cẳng" Uber bị điều tra, yêu cầu gỡ khỏi nhiều kho ứng dụng tại Trung Quốc

05/07/2021 07:33

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã yêu cầu các kho ứng dụng hoạt động tại nước này gỡ bỏ dịch vụ gọi xe Didi Chuxing vì tự ý thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng một cách lén lút.

Thông báo trên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra nhằm vào ứng dụng gọi xe lớn nhất nước này. Và cách đó ít hôm, Didi Chuxing cũng vừa thực hiện thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) tại New York, Mỹ với số tiền huy động lên đến 4 tỷ USD. Đây được xem là một trong những đợt IPO lớn nhất trong thập kỷ qua.

Theo yêu cầu từ CAC, các cửa hàng ứng dụng lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm của Apple, Huawei hay Xiaomi, đều phải gỡ bỏ ứng dụng Didi vô thời hạn, một trong số những hình phạt khắc nghiệt nhất đối với một công Internet. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu đơn vị phát triển thực hiện các biện pháp khắc phục và tuân thủ quy định. Nếu làm đúng, ứng dụng đặt xe Didi có thể quay lại trên các kho ứng dụng.

Lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi văn phòng đánh giá an ninh không gian mạng, một đơn vị ít được biết đến của cơ quan quản lý quyền lực, công bố bản đánh giá rủi ro đối với Didi vào hôm 2/7. Cùng ngày, giá trị vốn hóa của Didi có thời điểm mất tới 11% sau khi cơ quan chức năng công bố cuộc điều tra. Đồng thời, họ cũng yêu cầu ứng dụng ngừng tiếp nhận người dùng mới kể từ ngày 3/7.

Tuy nhiên, khoảng 500 triệu người dùng bao gồm hành khách và tài xế vẫn có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của công ty, theo một tuyên bố được đăng trên tài khoản Weibo chính thức của Didi. Đại diện phát ngôn của công ty bày tỏ sự hợp tác đến cơ quan quản lý Trung Quốc vì đã giúp họ điều tra rủi ro và hứa hẹn nỗ lực nghiêm túc để khắc phục sai lầm, cũng như đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cho người dùng.

Nguyên nhân cuộc điều tra đến nay vẫn chưa được sáng tỏ, cũng như không biết yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng có liên quan trực tiếp đến việc rà soát an ninh mạng diện rộng của CAC hay không.

Tương tự như nhiều dịch vụ Internet, Didi cũng thu thập thông tin về số điện thoại, tài khoản thanh toán, vị trí theo thời gian thực và tuyến đường di chuyển của người dùng. Đối với tài xế, công ty yêu cầu thông tin chứng minh nhân dân để thực hiện xác minh danh tính khi cần thiết.

Trong tuyên bố ngắn gọn yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng, CAC cho biết cuộc điều tra được khởi động nhằm ngăn chặn các rủi ro liên quan đến an ninh dữ liệu và duy trì lợi ích quốc gia.

Văn phòng cho biết sẽ tiến hành xem xét dựa trên Luật An ninh Quốc gia, Luật An ninh mạng và Các biện pháp rà soát an ninh mạng, nhưng không đề cập đến bất kỳ điều khoản cụ thể nào mà Didi bị nghi ngờ vi phạm.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai viện dẫn an ninh quốc gia làm lý do để khởi động cuộc rà soát nhằm vào một trong những gã khổng lồ công nghệ của nước này.

Trong đơn đệ trình của Didi gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) trước thềm IPO tại New York, công ty nhấn mạnh những rủi ro do các cơ quan quản lý gây ra, đặc biệt là trong các lĩnh vực chống độc quyền và bảo vệ quyền riêng tư. Công ty thậm chí còn cho rằng doanh nghiệp có thể bị "ảnh hưởng về doanh thu và gặp nhiều bất lợi" khi đối mặt với các chính sách quyết liệt.

Trước Didi, nhiều công ty Internet Trung Quốc đã phải hứng chịu các cuộc điều tra chống độc quyền trên quy mô lớn của giới chức Bắc Kinh.

Lệnh cấm đối với Didi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các tập đoàn internet lớn nhất Trung Quốc, cũng như siết chặt giám sát quyền sở hữu và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các hãng công nghệ từ Alibaba, Tencent cho tới Didi thu thập được từ hàng trăm triệu người dùng.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã thường xuyên chỉ đích danh các ứng dụng có "hành vi sai trái" trong việc thu thập thông tin người dùng. Trong đợt mới nhất được công bố ngày 8/6, cơ quan này đã nêu tên 83 ứng dụng có vấn đề, bao gồm cả bộ ứng dụng văn phòng trên nền tảng di động của Microsoft.

Vào năm 2016, Didi từng đánh bại đối thủ Uber của Mỹ tại quê nhà Trung Quốc và bắt tay vào thực hiện mục tiêu mở rộng ra quốc tế. Kể từ hôm 30/6, Didi đã bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán New York sau khi huy động 4,4 tỷ USD với giá trị vốn hóa 67 tỷ USD.

Lệnh cấm nhằm vào Didi cho thấy những bất ổn liên quan tới chiến dịch siết chặt giám sát của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực Internet. Đầu năm nay, Tổng Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc thông báo đang xem xét các cáo buộc lạm dụng, bao gồm cả những thỏa thuận độc quyền cưỡng ép người bán, tại nền tảng giao hàng Meituan. Động thái này cũng diễn ra vài ngày sau khi hãng Internet lớn thứ ba Trung Quốc huy động được 9,98 tỷ USD từ đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi kỷ lục.

Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, việc Didi bị loại bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng đã làm dấy lên các cuộc thảo luận thu hút nhiều sự chú ý. Một chủ đề trên Weibo liên quan đến tin tức này đã có hơn 510 triệu lượt xem tính đến tối ngày 4/5.

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng gọi xe từng "hất cẳng" Uber bị điều tra, yêu cầu gỡ khỏi nhiều kho ứng dụng tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO