Ứng dụng công nghệ cao truy lùng khoáng sản chiến lược ở Mỹ

11/11/2023 17:16

Sứ mệnh lập bản đồ địa chất trái đất bằng công nghệ cao hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng hóa hoạt động khai thác đất hiếm tại Mỹ.

q7kvy5v7cscri2abk8sr49tfsbno0gg0.jpg
Sứ mệnh GEMx hứa hẹn sẽ cách mạng hóa hoạt động khai thác đất hiếm ở Mỹ.

Trên cơ sở loại máy bay trinh sát chiến lược U-2 được phát triển vào những năm 1950, NASA đã chế tạo và sử dụng 2 máy bay ER-2 (Earth Resources 2) tầm cao để nghiên cứu bầu khí quyển và các hiện tượng liên quan.

Những chiếc máy bay này có khả năng bay trên độ cao 18.000 m và đã hoàn thành hơn 4.500 nhiệm vụ, bao gồm nghiên cứu tầng ozone và thử nghiệm các cảm biến vệ tinh mới.

Kể từ tháng 9/2023, 1 máy bay ER-2 đã được huy động tham gia vào sứ mệnh GEMx (Thí nghiệm lập bản đồ địa chất trái đất), được thực hiện cùng với Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS).

Mục tiêu của sứ mệnh là sử dụng công nghệ cao nhằm tìm kiếm trữ lượng khoáng sản còn ẩn giấu trên sa mạc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất thiết bị điện tử, nền kinh tế Mỹ và có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Nhà địa vật lý USGS Raymond Kokali cho biết: “Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm đáng tin cậy để phát triển nền kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Những mỏ khoáng sản chiến lược chưa được khai phá ở Mỹ cần có dữ liệu địa vật lý tiên tiến để phát hiện”.

Là một phần của sứ mệnh GEMx, máy bay ER-2 được trang bị cảm biến đặc biệt sẽ bay ở độ cao 19.800 m để thu thập các hình ảnh siêu phổ. Những hình ảnh này không chỉ bao gồm ánh sáng có thể quan sát được, ​​mà còn bao gồm các dải bức xạ hồng ngoại và bức xạ nhiệt, cho phép các nhà nghiên cứu quan sát được “sự phức tạp về địa vật lý đằng sau các bề mặt tưởng chừng đơn giản hoặc đơn sắc”.

Mục tiêu cuối cùng của sứ mệnh là bảo đảm an ninh quốc gia, nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung cấp khoáng sản nước ngoài cho hoạt động sản xuất thiết bị điện tử được sử dụng trong cả ứng dụng dân sự, lưỡng dụng và quân sự.

Chính quyền Mỹ đang ưu tiên mở rộng nguồn cung cấp trong nước bằng một sắc lệnh hành pháp vào năm 2021 nhằm làm giảm "sự phụ thuộc quá mức vào các nguồn cung nước ngoài và quốc gia đối thủ đối với các khoáng sản và vật liệu quan trọng, có thể gây ra các mối đe dọa an ninh kinh tế và quốc gia".

Hiện nay, Trung Quốc đã dồn lực đầu tư để chiếm lĩnh thị trường các loại khoáng sản này. Theo một báo cáo xuất bản năm 2022 của Mỹ, “trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc đã kiểm soát được phần lớn thị trường khai thác và chế biến coban, lithium, đất hiếm cũng như các khoáng sản chiến lược khác”.

​​​​Dự án GEMx dự kiến sẽ tiêu tốn ít nhất 16 triệu USD và kéo dài đến giữa năm 2026.

(theo Securitylab)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cao truy lùng khoáng sản chiến lược ở Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO