UNCLOS 1982 và ASEAN: Vai trò cốt lõi trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Thu Hiền (tổng hợp)| 12/07/2021 15:35

Baoquocte.vn. UNCLOS 1982 cùng sự đoàn kết của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Ấn Độ quan tâm việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế. (Nguồn: News 18)
UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng, là quá trình xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp. (Nguồn: News 18)

Phán quyết công bằng

Trong bài viết đăng tải ngày 11/7, trang mạng Theinsnews.com (Malaysia) cho rằng, sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) chính là quá trình xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp.

UNCLOS 1982 cùng sự đoàn kết của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. UNCLOS 1982 là văn bản pháp lý quan trọng để xác định các vấn đề liên quan tới chủ quyền, lãnh hải và quyền, nghĩa vụ của một quốc gia hàng hải.

Đây là cơ sở pháp lý để các quốc gia ven biển hoạch định chính sách biển và xây dựng các văn bản pháp luật tương ứng.

Nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông (ngày 12/7/2016), bài viết cũng nhắc lại quyết định quan trọng của PCA khi khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý hoặc yêu sách lịch sử về “đường 9 đoạn.”

Báo Porady của giới luật sư Ukraine ngày 9/7 cũng đăng bài phân tích của chuyên gia Sergei Tolstov, Giám đốc Viện phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Kiev, trong đó tác giả đánh giá cao ý nghĩa phán quyết của PCA và luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tác giả Tolstov cho rằng, phán quyết của PCA sau 5 năm “đã cho thấy sự công bằng và cơ sở pháp lý”.

PCA đã đưa ra phán quyết rõ ràng về yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông. Cụ thể, Tòa đã tuyên bố, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định “quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi “đường 9 đoạn”.

Chuyên gia Ukraine nhận định rằng phán quyết của PCA đã có tác động nhất định đến lập trường và hành động của Trung Quốc, nhất là đối với khu vực bãi cạn Scarborough.

Về ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tác giả Tolstov nhấn mạnh, nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ UNCLOS 1982, bày tỏ quan ngại những hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp đã gây ra tình trạng bất ổn về an ninh trong khu vực. Ông cho rằng, “các bên cần chấp hành nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tự nguyện tuân thủ Công ước và phán quyết của PCA."

ASEAN-vai trò tiên phong

Vai trò của ASEAN được các chuyên gia đánh giá cao trong nỗ lực đạt được hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Suốt 3 thập kỷ qua, ASEAN đã trở thành nhân tố chính duy trì hòa bình và trật tự ở Biển Đông.

Thành công của ASEAN trong việc thuyết phục Trung Quốc chấp nhận lấy đàm phán đa phương làm cơ sở giải quyết tranh chấp vào giữa những năm 1990 và thúc giục Bắc Kinh xúc tiến quá trình tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2013 đã chứng tỏ tổ chức này có khả năng thực thi các sáng kiến chính sách hiệu quả.

Trong bài viết trên trang mạng Theinsnews.com, tác giả khuyến nghị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN cần xây dựng tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông theo UNCLOS và phù hợp với nội dung phán quyết của PCA.

Bài viết cũng đề cao vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Để bảo đảm các nguồn lực của Biển Đông được sử dụng cho lợi ích của các nước thành viên ASEAN, bài viết cho rằng, giải pháp tốt nhất đó là các quốc gia ASEAN cần đi đến một thỏa thuận chính trị, quân sự và kinh tế vững chắc để tôn trọng các tuyên bố của nhau trong khi cùng đầu tư bảo vệ khu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia tham gia.

Bài viết khuyến nghị để giảm bớt sự gia tăng các hoạt động quân sự và chiếm đóng trên thực địa gần đây, cần có các hành động tập thể từ ASEAN, đặc biệt là sự thống nhất, đoàn kết của các nước thành viên.

Chuyên gia Sergei Tolstov nhấn mạnh, ASEAN và các nước thành viên có nghĩa vụ đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, đồng thời các quốc gia ngoài khu vực cần phải tôn trọng các cơ chế hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt.

Theo bài viết, trong Sách trắng Quốc phòng năm 2021 công bố cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Brunei đề cập UNCLOS như một công cụ quan trọng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Nước Chủ tịch ASEAN 2021 khuyến nghị cần phải nỗ lực xác định các chuẩn mực và hành vi được chấp nhận theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
UNCLOS 1982 và ASEAN: Vai trò cốt lõi trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO