Theo tuyên bố mới nhất của điện Kremlin, Nga chính thức bắt đầu mở giai đoạn 2 chiến dịch ở miền đông Ukraine. Trước đó, nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho rằng, trong giai đoạn mới này, Nga sẽ sử dụng chiến thuật quân sự mới, gây khó khăn cho quân đội Ukraine.
Câu hỏi đặt ra là Kiev sẽ sử dụng chiến lược nào để đối phó với Nga tại miền Đông Ukraine.
Báo ABC News của Australia đã phân tích và đưa ra 4 lựa chọn chiến lược mà Ukraine có thể áp dụng khi đối đầu với Nga tại mặt trận phía Đông.
Thứ nhất, Ukraine có thể áp dụng chiến lược "phòng thủ tại chỗ". Theo đó, Ukraine sẽ bảo vệ vùng đất mà họ kiểm soát trong 3 khu vực hoạt động chính, bảo vệ không phận và tấn công các khu vực hậu cần của Nga.
Lựa chọn thứ 2 cho Ukraine là "phòng thủ và lùi lại" ở phía đông Bắc và phía Đông, trong khi giữ vững vị thế ở phía Nam. Theo chiến lược này, Ukraine sẽ tiến hành các cuộc tấn công có giới hạn ở Donbass và các khu vực phía Đông Bắc để giành lại đất đã bị Nga giành quyền kiểm soát kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Chiến lược thứ ba mà Ukraine có thể áp dụng là tiến hành các cuộc tấn công đồng thời ở phía Đông Bắc, Đông và Nam để giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm giữ kể từ ngày 24/2. Tuy nhiên, chiến lược này khá phức tạp vì đòi hỏi một lượng lớn yểm trợ hỏa lực, hậu cần và không quân cho cả ba hoạt động đồng thời, chưa kể việc thực hiện quyền chỉ huy và kiểm soát cũng sẽ khó khăn hơn. Đối với các hoạt động tấn công, việc lên kế hoạch, chỉ huy và chống đỡ khó khăn hơn rất nhiều so với các hoạt động phòng thủ.
Lựa chọn cuối cùng cho Ukraine là thu hồi toàn bộ lợi ích của Nga kể từ năm 2014, bao gồm cả việc đẩy tất cả các lực lượng Nga ra khỏi Donbass và Crimea. Đây là kịch bản khó khăn nhất vì đòi hỏi một lực lượng quân sự khổng lồ. Chiến lược này cũng rất phức tạp bởi thương vong có thể sẽ cao hơn, cần các tuyến tiếp tế dài hơn, đòi hỏi lực lượng tình báo, giám sát và trinh sát và không quân Ukraine kiểm soát ở các khu vực lớn hơn.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky hơn ai hết có thể đã nắm rõ tất cả những lựa chọn chiến lược này. Mỗi lựa chọn quân sự và mỗi căn cứ mà lực lượng Ukraine có thể giành lại sẽ có thể tạo ra những ảnh hưởng khác nhau đến các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột.
Bất kể Ukraine chọn cách tiếp cận hay lựa chọn nào, họ đều vấp phải những thách thức về mặt hậu cần. Theo đó, ở mặt trận phía Đông này, Ukraine sẽ cần nhiều hơn viện trợ của phương Tây và hỗ trợ hậu cần từ miền Tây nước này so với ở trận chiến Kiev.
Phía Đông có địa hình rộng mở, thuận lợi hơn cho việc điều động lực lượng cơ giới hóa lớn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tiêu hao lực lượng ở mặt trận này có thể sẽ lớn hơn ở phía Bắc và phía Nam.
Bất kỳ phương án nào đều đặt ra những thách thức chính trị cho Tổng thống Ukraine. Mục tiêu của ông Zelensky rất rõ ràng - ông mô tả chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là "không thể nghi ngờ" và mục tiêu của ông là "hòa bình và khôi phục cuộc sống bình thường".