Các lực lượng Nga đã rút khỏi Đảo Rắn trên Biển Đen, trong một động thái mà Ukraine mô tả như một chiến thắng dành cho họ, trong khi Nga nói rằng Moscow rút khỏi đó là vì không muốn làm hỏng các nỗ lực thiết lập hành lang để tạo điều kiện cho hàng nông sản của Ukraine xuất khẩu ra toàn thế giới.
Quân đội Ukraine trong tối 30/6 tuyên bố rằng họ đã buộc người Nga bỏ chạy trên 2 con thuyền cao tốc cỡ nhỏ, sau khi nã loạt pháo kích và tên lửa lên Đảo Rắn.
Đảo Rắn là một hòn đảo có diện tích cực nhỏ nhìn ra các tuyến đường biển dẫn tới Odessa, cảng chính của Ukraine trên Biển Đen, nơi mà Nga đã phong tỏa hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine – một trong những nước cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới.
“Vấn đề quan trọng nhất là, động thái này có thể mở ra cánh cửa lưu thông hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine từ cảng Odessa, nó có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Ukraine và chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu,” Rob Lee đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao, trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Việc gỡ bỏ thế phong tỏa ở các cảng của Ukraine đã là một mục tiêu chính của các nước phương Tây trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng đuổi người Nga khỏi Đảo Rắn chưa đủ để phá thế bị phong tỏa của các cảng của Ukraine. Nga vẫn có khả năng chặn tàu hàng của Ukraine trên biển.
Sau đây là 5 điều cần biết về hòn đảo cũng như tầm quan trọng chiến lược của nó.
Vị trí chiến lược trên Biển Đen
Là một hòn đảo có diện tích nhỏ nằm cách cực Tây Nam của Ukraine chỉ khoảng 35km, Đảo Rắn nằm sát Đồng bằng sông Danube và gần với đường biên giới trên biển với Romania, một nước thành viên NATO.
Nó có giá trị chiến lược đặc biệt trong việc kiểm soát khu vực Tây Bắc Biển Đen, các thành phố ven biển trong khu vực này, và các tuyến đường biển hình thành nên chuỗi cung ứng nông sản của thế giới.
Việc Nga rút quân khỏi hòn đảo này có thể giảm nhẹ thế phong tỏa đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine, và giúp giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia thuộc hàng nghèo nhất thế giới.
Achilles và trận chiến thành Troy
Những câu chuyện về Đảo Rắn đã có từ nhiều thiên niên kỷ, và có liên quan tới trận chiến thành Troy trong thần thoại Hy Lạp. Đảo Rắn từ lâu đã có liên hệ với Achilles, chiến binh vĩ đại trong thần thoại Hy Lạp được xem là vô địch nhưng có một điểm yếu duy nhất ở gót chân.
Binh sĩ Ukraine từ chối đầu hàng
Có diện tích chỉ 0,17 km vuông, ngang bằng kích thước của 20 sân bóng đá, Đảo Rắn lại nổi tiếng khắp thế giới chỉ sau vài giờ đồng hồ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine vào ngày 24/2. Binh sĩ Ukraine trên hòn đảo này đã khước từ lời đề nghị buông súng của một chiến hạm Nga.
“Chiến hạm Nga, hãy biến đi,” một binh sĩ Ukraine đã hô lên lúc đó. Câu nói này trở thành biểu tượng cho sự phản kháng của Ukraine và thậm chí được in lên tem bưu chính. Vào ngày mà con tem được phát hành, Ukraine tuyên bố rằng họ đã đánh chìm con tàu nói trên, soái hạm Moskva, vốn được xem như biểu tượng của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Thế kiểm soát bị mất dần của Nga
Tháng trước, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng nếu Nga củng cố được tầm kiểm soát của họ trên Đảo Rắn bằng các hệ thống phòng không và tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, họ có thể thống trị khu vực Tây Bắc Biển Đen.
Nga đã bảo vệ hòn đảo này kể từ tháng 2, nhưng Ukraine cũng thường xuyên tổ chức tấn công và tìm cách tái chiếm, nhiều lần tuyên bố đã gây ra nhiều tổn thất, đánh chìm nhiều tàu và cơ sở quân sự của Nga trên hòn đảo.
Các loại vũ khí mới mà phương Tây cung cấp càng khiến cho đồn trú của Nga trên Đảo Rắn trở nên mong manh hơn, đặc biệt là với hệ thống pháo cơ động HIMARS mà Mỹ cung cấp, bắt đầu được sử dụng trên chiến trường trong tuần trước.
Tranh chấp với Romania
Tòa Công lý Quốc tế đã vạch ra một đường biên giới trên biển mới giữa Romania và Ukraine vào năm 2009 để giải quyết tranh chấp liên quan tới Đảo Rắn, nơi tiềm tàng một nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ. Vào thời điểm đó, phía Ukraine nói rằng Đảo Rắn có người ở và có hoạt động kinh tế, là nhà của khoảng 100 người bao gồm binh sĩ, người giữ hải đăng, các nhà khoa học và gia đình họ.
Theo Al Jazeera