"Các hệ thống phòng không NASAMS và Aspide đã đến Ukraine. Những vũ khí này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho quân đội Ukraine và sẽ giúp bầu trời của chúng tôi an toàn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bắn hạ các mục tiêu của đối phương đang tấn công chúng tôi. Xin cảm ơn các đối tác của chúng tôi: Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bình luận trên Twitter hôm nay 7/11.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây giúp nâng cao năng lực phòng không trước uy lực của vũ khí Nga. Ông Zelensky cho rằng, với việc Nga liên tục phóng tên lửa chính xác vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, Kiev cần có những lá chắn đủ uy lực để đánh chặn.
NASAMS và Aspide hiện được xem là phương án tối ưu nhất cho Ukraine. 2 hệ thống vũ khí này có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với các cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga.
NASAMS là từ viết tắt của Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy. Đây là sản phẩm hợp tác giữa nhà thầu Kongsberg (Na Uy) và Raytheon (Mỹ).
Giới quan sát nhận định, NASAMS sẽ làm gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ của Ukraine trước dàn hỏa lực vượt trội của Nga, trong bối cảnh Moscow gần đây phóng "mưa" tên lửa xuống các mục tiêu quan trọng của Kiev.
Được phát triển lần đầu vào những năm 1990, NASAMS hiện có 3 biến thể. NASAMS-3 đã được hé lộ vào năm 2019, được trang thiết bị phân phối hỏa lực mới và tầm bắn xa hơn. Năm 2021, Raytheon tuyên bố phiên bản NASAMS 4 sẽ trang bị hệ thống radar AESA băng tần S tầm trung mới.
Sau khi nhận NASAMS-3, Kiev được cho là sẽ gia tăng mạnh mẽ năng lực phòng thủ tầm ngắn. Mặt khác, lá chắn này có khả năng hoạt động ở tầm mở rộng hơn với tên lửa AMRAAM-ER.
NASAMS thích hợp nhất để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Đây chính là vai trò mà vũ khí này thực hiện ở Washington, nơi NASAMS được triển khai để bảo vệ các cơ sở trọng yếu. Nếu có NASAMS, Ukraine nhiều khả năng sẽ đưa hệ thống này để bảo vệ thủ đô Kiev, nơi hứng chịu các vụ tập kích tên lửa của Nga.
NASAMS hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp - loại mà Nga đã sử dụng nhiều trong chiến sự thời gian qua. Tầm đánh chặn của NASAMS trải dài từ độ cao 300-15.000m. Thông số này tốt hơn so với việc Ukraine triển khai tiêm kích để đánh chặn tên lửa hành trình - vốn không quá hiệu quả khi Kiev nhiều lần để lọt tên lửa Nga.
Tên lửa Aspide tầm trung do công ty Selenia của Italy thiết kế. Tây Ban Nha, quốc gia đã mua hàng trăm tên lửa Aspide vào những năm 1980, thông báo họ đã đưa một số tên lửa này trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất cho Ukraine vào tuần trước.