Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko. (Nguồn: Europe-cities) |
Ông Prystaiko nói: “Lần đầu tiên, lực lượng vũ trang của chúng ta, cụ thể là hải quân, sẽ nhận được vũ khí thực sự, tên lửa, thứ sẽ cho phép chúng ta chống lại Nga ở Biển Đen và Biển Azov”.
Theo nhà ngoại giao, Anh đang tìm kiếm bạn bè và Ukraine khá phù hợp với vai trò này, bất chấp tất cả những vấn đề mà nước này đang vướng phải.
Để chứng tỏ việc sẵn sàng liên minh, London đã ký một thỏa thuận quân sự với Kiev trị giá 2 tỷ USD. Ông Prystaiko nói: “Lực lượng vũ trang của chúng ta chưa bao giờ nhận được những khoản kinh phí lớn như vậy từ bên ngoài để phát triển".
Kể từ năm 2014, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tiến hành chiến tranh và huấn luyện cho quân đội nước này.
Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lithuania, Czech, Bulgaria, Romania và Estonia đã cung cấp vũ khí và khí tài trị giá tổng cộng hàng tỷ USD.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây và Kiev cáo buộc Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine, song Moscow bác bỏ, cho là vô căn cứ.
Liên quan lo ngại này, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, Berlin đã thể hiện lập trường rõ ràng rằng, Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề nếu tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, ông Lindner không khẳng định liệu đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 có bị ngừng hoạt động hay không.
Trước đó, trong chuyến thăm Washington ngày 7/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhấn mạnh, nước này và Mỹ có cách tiếp cận chung liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và các lệnh trừng phạt.
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Đức cũng không trực tiếp xác nhận kế hoạch đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay đề cập công khai đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic này.