Không quân Ukraine phát hiện 11 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS trên không phận Nga vào khoảng 5h ngày 26/8. Trong vòng chưa đầy 3 giờ, Ukraine đã hứng chịu cuộc không kích lớn nhất kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022, với 127 tên lửa và 109 máy bay không người lái được phóng vào Ukraine.
Để tấn công các thành phố của Ukraine ở xa tiền tuyến, Nga sử dụng máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cùng với các bệ phóng trên mặt đất được đặt gần biên giới hơn.
Trong bối cảnh lệnh cấm tấn công bằng tên lửa của Mỹ vẫn sâu bên trong lãnh thổ Nga vẫn còn hiệu lực, để giảm thiểu khả năng Nga tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt, Ukraine buộc phải sử dụng máy bay không người lái (UAV) sản xuất trong nước để nhắm mục tiêu vào các sân bay và địa điểm phóng của Nga.
Trong một năm qua, Ukraine đã xoay xở để tăng đáng kể số lượng UAV được sản xuất trong nước, hiện có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 1.800km, theo tình báo quân sự Ukraine.
Với hàng chục sân bay của Nga đang bị Ukraine bắn phá, lực lượng Nga buộc phải tìm kiếm các giải pháp mới để bảo vệ máy bay của mình, kéo chúng ra xa khỏi tầm bắn của Kiev.
Sức mạnh của UAV Ukraine
Người phát ngôn Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk ngày 13/8 tuyên bố 2 trong số 5 sân bay của Nga ở bán đảo Crimea, khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014, đang hoạt động "với công suất tối thiểu" do các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Ukraine.
Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Australia, nhận định nếu Ukraine tiếp tục tấn công các sân bay ở Crimea, Nga sẽ buộc phải ngừng sử dụng các cơ sở này.
Mặc dù Ukraine đã thành công trong việc vô hiệu hóa một số sân bay của Nga, Nga vẫn còn nhiều sân bay khác. Nga vận hành 42 sân bay, bao gồm cả sân bay ở Belarus và bán đảo Crimea, trong đó 28 sân bay có thể đồn trú máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu, cựu sĩ quan quân đội và chuyên gia quốc phòng Viktor Kevliuk nói với Kyiv Independent.
Theo thống kê của Military Balance 2024, Nga vẫn còn hơn 1.000 máy bay chiến đấu và nhiều sân bay vẫn nằm ngoài tầm bắn của Ukraine.
Một nguồn tin tình báo quân sự am hiểu các hoạt động của Ukraine tại khu vực do Nga kiểm soát cho biết, Ukraine đã thực hiện ít nhất 5 cuộc tấn công vào các sân bay của Nga trong tháng 8.
Vào ngày 14/8, Ukraine đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất nhằm vào Nga từ trước đến nay. Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công 4 sân bay, bao gồm Savasleyka, nằm cách biên giới Ukraine gần 665km.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắn hạ 117 máy bay không người lái và 4 tên lửa chiến thuật. Ukraine không tiết lộ thiết bị nào đã được sử dụng trong cuộc tấn công này.
Mặc dù có hàng trăm máy bay không người lái được Ukraine phóng đi, nhưng thường chỉ có một số ít đến được mục tiêu, tấn công các máy bay, đường băng, đạn dược hoặc kho nhiên liệu của Nga.
Chuyên gia Kevliuk so sánh các cuộc tấn công gần đây của Ukraine với "vết muỗi đốt". Tuy nhiên, ông vẫn đánh giá hiệu quả các cuộc không kích của Ukraine là "có thể chấp nhận được", xét đến các loại vũ khí được sử dụng và hậu quả mà chúng gây ra.
Chuyên gia quốc phòng Andrii Kharuk nhận định, việc Ukraine sử dụng chiến thuật tấn công các căn cứ không quân của Nga có vẻ hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả rất khó đánh giá vì hình ảnh vệ tinh không cho thấy rõ toàn bộ mức độ tàn phá do các cuộc tấn công này gây ra.
"Trong mọi trường hợp, ở một mức độ nào đó, việc phá hủy hoặc làm hỏng máy bay Nga mang bom dẫn đường trên không tại một sân bay dễ hơn là tấn công máy bay trên không phận Nga, cách tiền tuyến vài chục km", ông Kharuk nói.
"Các cuộc không kích vào các sân bay có thể được coi là không phù hợp vào một thời điểm nào đó khi chúng ta chưa có đủ nguồn lực máy bay không người lái. Bây giờ, khi chúng ta thấy hàng trăm máy bay không người lái của Ukraine tấn công mục tiêu vào ban đêm, chắc chắn có thể tấn công các sân bay, bắn trúng máy bay của họ", ông Kharuk nói thêm.
Một trong những nhược điểm lớn nhất của máy bay không người lái là tốc độ của chúng. Theo ông Kharuk, máy bay không người lái có thể được phát hiện vài giờ trước cuộc tấn công, cho phép máy bay và trực thăng của đối phương có thời gian triển khai để bắn hạ.
Thay đổi chiến lược
Để ứng phó với các cuộc tấn công của Ukraine, Nga chủ yếu thực hiện các biện pháp tác chiến, bao gồm triển khai máy bay đến khu vực khác, ngụy trang máy bay, hoặc dùng lốp phủ lên máy bay để bảo vệ chúng khỏi máy bay không người lái tự sát và tăng cường phòng không ở các vùng lãnh thổ gần Ukraine hơn.
Các lực lượng Nga cũng vẽ hình máy bay trên các sân bay để đánh lừa đối phương và dựng các lớp che chắn bằng kim loại, vốn dễ dàng hơn so với lớp che chắn bằng bê tông.
"Nếu có 20 lớp che chắn tại sân bay, đối phương sẽ không rõ lớp nào được sử dụng để che giấu máy bay", ông Kharuk giải thích.
Theo chuyên gia, quân đội Nga cũng đang xây dựng các hầm trú ẩn bằng bê tông, nhưng vấn đề bảo vệ máy bay vẫn chưa được giải quyết.
"Máy bay là một khí tài rất tinh vi. Chỉ vì nó không cháy hoặc phát nổ không có nghĩa là nó không bị vỡ thành các mảnh", chuyên gia Kharuk cho biết, đồng thời nói thêm rằng ngay cả một hư hỏng nhỏ cũng có thể khiến máy bay không hoạt động trong nhiều tháng.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có đủ khả năng để sửa chữa và chế tạo máy bay. Chuyên gia Kharuk cho biết lực lượng Nga thường tháo rời những máy bay không hoạt động để sử dụng các bộ phận của chúng lắp ráp vào những máy bay bị hư hỏng.
"Ví dụ, có những bức ảnh và video cho thấy một trực thăng K-52 có phần đuôi khác biệt đáng kể so với chính trực thăng đó. Có lẽ, một phần của trực thăng bị rơi đã được lắp vào trực thăng đang hoạt động để đưa nó trở lại hoạt động", ông Kharuk cho biết.
"Điều tương tự cũng áp dụng cho máy bay, chẳng hạn máy bay ném bom Tu-22M3, đã ngừng sản xuất vào năm 1993 và động cơ cũng không còn được sản xuất nữa. Cách duy nhất để sửa chữa chúng là sử dụng những chiếc máy bay đã ngừng hoạt động và tháo rời chúng thành các bộ phận", chuyên gia này nói thêm.
Kharuk cho rằng Nga vẫn chưa thiết lập được nguồn cung cấp phụ tùng thường xuyên cho máy bay và trực thăng của nước này từ các nước thứ ba, điều này cũng có thể cản trở việc sửa chữa các thiết bị bị hư hỏng.
Hiệu quả tấn công bằng tên lửa tầm xa
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 27/8 tuyên bố Ukraine đã thử nghiệm tên lửa tầm xa đầu tiên do chính nước này sản xuất.
Các quan chức Ukraine từ lâu đã kêu gọi các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm đang áp dụng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
"Máy bay không người lái Ukraine hoạt động chính xác như mong đợi. Nhưng có những thứ không thể thực hiện được chỉ bằng máy bay không người lái. Thật không may. Chúng tôi cần vũ khí khác - tên lửa", Tổng thống Zelensky cho biết.
Liên minh do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa có nhiều động thái.
Không có quốc gia nào chính thức cho phép sử dụng tên lửa tầm xa trong kho vũ khí của Ukraine, chẳng hạn Storm Shadow của Anh, ATACMS của Mỹ hoặc SCALP của Pháp, để sử dụng trong các cuộc tấn công tầm xa.
Chuyên gia Layton cho biết tên lửa tầm xa có thể thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine nếu Kiev có đủ số lượng để khiến các căn cứ không quân của Nga phải đóng cửa do mối đe dọa liên tục bị ném bom.
Một quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal (WSJ) trong bài phát biểu được công bố vào ngày 27/8 rằng Nga được cho là đã chuyển 90% máy bay quân sự của nước này đến các căn cứ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS tầm xa.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân Mỹ (ATACMS) có tầm bắn khoảng 165-300km và Nga được cho là đang chuẩn bị sẵn tình huống Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với loại vũ khí này.
Tuy nhiên, Nga có máy bay ném bom chiến lược trong kho vũ khí, bao gồm Tu-22/95, có thể phóng tên lửa từ khoảng cách ngoài tầm bắn của vũ khí do phương Tây cung cấp, theo chuyên gia Layton.
Ông Layton cũng không loại trừ khả năng Nga cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Belarus trong việc sử dụng các sân bay của nước này để bố trí máy bay chiến đấu của Nga.
Chuyên gia Kharuk từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán cụ thể nào về hiệu quả tiềm tàng của tên lửa tầm xa, nhưng lưu ý rằng thời gian để tiếp cận mục tiêu, "hiện được tính bằng giờ, sẽ được tính bằng phút" ngay khi vũ khí tầm xa được đưa vào sử dụng.
Chuyên gia này cũng cho biết thời gian phản ứng trước các cuộc tấn công của Ukraine đã giảm đáng kể.
"Trước đây, mất khoảng hai ngày kể từ khi chúng tôi phát hiện máy bay tại một sân bay của Nga cho đến khi chúng tôi tấn công chúng, nhưng bây giờ khoảng thời gian này được tính bằng giờ", ông Kharuk nói.