UFO bị Mỹ bắn hạ ở Alaska có gì khác khí cầu Trung Quốc?

11/02/2023 12:25

Các quan chức an ninh và quốc phòng Mỹ cho biết có sự khác biệt rõ rệt giữa vật thể bay không xác định bị hạ hôm 10/2 ở Alaska và khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi 6 ngày trước.

Hải quân Mỹ thu hồi xác khinh khí cầu Trung Quốc sau khi nó bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.

Những khác biệt được ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, và ông Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nêu ra trong một cuộc họp báo hôm 10/2, theo News Nation.

So sánh được đưa ra sau khi quan chức Mỹ hôm 10/2 cho biết quân đội nước này đã bắn hạ một "vật thể không xác định" bay ở vùng biển Alaska, một tuần sau khi bắn hạ khí cầu Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Về độ cao, khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang qua lục địa Mỹ ở độ cao hơn 18 km, trong khi các quan chức cho biết vật thể bị bắn hạ hôm 10/2 lơ lửng ở độ cao khoảng 12 km.

Các hãng hàng không thương mại thường bay ở độ cao 9 km trở lên. Độ cao tối đa đối với một chiếc Boeing 777 là khoảng 13 km.

Ông Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói rằng vật thể hôm 10/2 bay ở “độ cao có thể đe dọa đến giao thông hàng không dân sự”. Vì thế “tổng thống (Mỹ) đã ra lệnh bắn hạ nó”, ông nói.

Về quá trình bắn hạ, cả hai đều bị máy bay chiến đấu F-22 bắn tên lửa AIM-9X. Vật thể bay hôm 10/2 rơi xuống ngoài khơi bờ biển Alaska, một ngày sau khi được phát hiện. Trong khi đó, khinh khí Trung Quốc cầu đi qua nước Mỹ trong một tuần trước khi nó bị bắn trên Đại Tây Dương.

Lầu Năm Góc cũng cho hay vẫn chưa biết liệu vật thể bay có từng đi qua các quốc gia khác hay không.

Về kích thước, vật thể hôm 10/2 “nhỏ hơn nhiều” so với khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc. Nó được mô tả có “kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ” và “không có tải trọng đáng kể". Trong khi đó, khinh khí cầu Trung Quốc “có tải trọng lớn bằng hai hoặc ba chiếc xe buýt”.

Ông Ryder nói rằng Lầu Năm Góc không xác định được cá nhân hay tổ chức nào sở hữu vật thể, cũng như không biết vật thể được sử dụng với mục đích gì.

“Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào có thể xác nhận mục đích của vật thể này”, ông nêu rõ.

Trái ngược với đó, vị phát ngôn viên một lần nữa khẳng định “chắc chắn rằng khí cầu Trung Quốc mà chúng tôi bắn rơi thực chất là phương tiện do thám, có khả năng giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm, đồng thời có thể tự hành và cơ động”. Ông cũng nói thêm rằng không có điều gì cho thấy vật thể bay bị bắn hôm 10/2 làm được điều tương tự.

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ, nói rằng khinh khí cầu được dùng để nghiên cứu thời tiết và bay lạc sang trời Mỹ.

Cũng như khinh khí cầu Trung Quốc, cơ quan quốc phòng Mỹ sẽ thu hồi mảnh vỡ và xác của vật thể bay bị bắn hạ hôm 10/2 để tìm hiểu.

Tuy nhiên, việc thu hồi mảnh vỡ của vật thể bay không xác định có thể dễ dàng hơn khinh khí cầu Trung Quốc vì nó được cho là rơi xuống vùng nước bị đóng băng.

Khoảnh khắc khinh khí cầu bị tên lửa bắn hạ trên biển Mỹ hôm 4/2 đã sử dụng máy bay F-22 và tên lửa AIM-9X để bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc sau khi nó bay qua toàn bộ nước Mỹ.
    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    UFO bị Mỹ bắn hạ ở Alaska có gì khác khí cầu Trung Quốc?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO