Ngôi chùa quê do Nhân dân và khách thập phương đóng góp tu bổ, xây dựng. Nay UBND xã thành lập Ban Quản Lý Chùa (BQL Chùa) mà không thông qua ý kiến Nhân dân địa phương. Sau đó BQL Chùa còn ra Thông báo về kế hoạch, thời gian kiểm kê tài sản tại Chùa. Như vậy việc UBND xã thành lập BQL Chùa có đúng theo các quy định của Pháp luật ko?
Luật sư trả lời:
Luật sư Nguyễn Văn Đồng - VP luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về “Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng”. Theo đó, cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB MTTQ Việt Nam) cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý. Căn cứ kết quả bầu, cử và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 11, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu, cử.
Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý nhà thờ dòng họ không phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý. Căn cứ kết quả bầu, cử và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu, cử. Vì thế nếu việc thành lập Ban quản lý chùa nhưng không tổ chức bầu, cử các chức danh “người đại diện” chùa, “thành viên ban quản lý” chùa là không đúng quy định pháp luật.
Nếu có dấu hiệu vi phạm người dân cần khiếu nại, tố cáo lên UBND cấp tỉnh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để được giải quyết.
Về nội dung kiểm kê tài sản:
Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng (sau khi được thành lập đúng theo các quy định của pháp luật) thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức theo Điều 7 Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV quy định cụ thể: Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch; việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.