Ðặt lọp - nghề dân dã xứ rừng.
Ông Huỳnh Tấn Lợi (Kênh 88, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) có trên 20 năm đan lọp chuyên nghiệp, mỗi mùa cung cấp cho bà con xứ rừng tràm U Minh gần 1.000 cái lọp tre, lọp lưới.
Ông Huỳnh Tấn Lợi có trên 20 năm đan lọp chuyên nghiệp, mỗi mùa cung cấp cho bà con xứ rừng tràm U Minh gần 1.000 cái lọp tre, lọp lưới.
Ông Lợi chia sẻ: “Vào mùa nước lên, các hộ dân sống bằng nghề lọp lưới tìm đến cơ sở tôi mua lọp. Hộ đặt lọp phục vụ cho bữa ăn gia đình thì mua từ 5-7 cái, người đặt chuyên nghiệp thì mua vài chục cái. Tôi phải ngồi đan cả ngày, có khi làm tận khuya mới kịp giao hàng cho khách”.
Trước kia ông Lợi làm lọp chủ yếu từ tre, trúc, nhưng nay chuyển qua làm lọp lưới, lọp 2 hom, hom nhử làm bằng tre, trúc già, còn hom bắt thì đan bằng lưới, đặt rất "chạy" so với lọp tre truyền thống.
Ðặt lọp cũng là một nghệ thuật. Theo anh Phạm Duy Khanh (Tiểu khu 053, xã Khánh Bình Tây Bắc), đặt lọp lưới không cần phải rào, tấn kín đầu lọp như lọp tre thì cá, rắn, rùa, mới chạy.
Nhiều hộ dân miệt rừng U Minh mưu sinh bằng nghề đặt lọp, kiếm được chi phí trang trải khó khăn trong gia đình. Ông Tấn Lợi cũng là người đặt lọp chuyên nghiệp theo các con kênh trong lâm phần. Mỗi đêm ông kiếm được vài trăm ngàn từ cá trê, cá rô, cá lóc đồng, đặc biệt là cá dầy, đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cùng với thu nhập từ nghề đan lọp, gia đình ông Lợi ổn định cuộc sống.
Khách du lịch thích thú trải nghiệm đặt lọp, đặt lờ rừng U Minh.
Nghề đặt lọp xứ rừng không chỉ là sinh kế của nhiều hộ nông dân, mà còn trở thành nghề thu hút khách du lịch trải nghiệm. Ông Phạm Văn Ngọt (Mười Ngọt), là người làm du lịch sinh thái rừng tràm U Minh đã mở tour đặt lọp, đặt lờ, gác kèo ong ngay trong khu du lịch của mình, cùng với những nghề dân dã đưa thương hiệu du lịch trải nghiệm Mười Ngọt nổi tiếng khắp vùng.