Tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận tài sản bốc hơi gần 1 tỷ USD trong một thời gian ngắn khi giá cổ phiếu giảm chung theo thị trường chứng khoán và giảm mạnh theo triển vọng không còn tươi sáng của ngành thép.
Theo Forbes, tính tới hết 24/5, tổng tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 2,3 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với thời điểm cuối 2021 và đầu 2022.
Trong khi đó, tính theo số lượng hơn 1,166 tỷ cổ phiếu HPG mà ông Trần Đình Long đang sở hữu, số tài sản này trị giá hơn 51 nghìn tỷ đồng (gần 2,2 tỷ USD). Cổ phiếu HPG hiện có giá 34.900 đồng/cp, chỉ bằng khoảng 60% so với mức giá đỉnh cao của cổ phiếu này hồi cuối tháng 10/2021.
Cổ phiếu HPG giảm mạnh từ cuối 2021 trong bối cảnh cổ phiếu HPG tăng vọt gần 5 lần trước đó, trong vòng một năm rưỡi, từ mức giá 11.700 đồng (giá điều chỉnh) hồi đầu tháng 3/2020 lên trên ngưỡng 57.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2021.
Đây có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu HPG điều chỉnh giảm sớm hơn so với thị trường chung, với đợt giảm đầu tiên từ cuối tháng 10/2021 cho tới cuối tháng 1/2022. Cổ phiếu này sau đó hồi phục và tiếp tục đợt điều chỉnh giảm thứ hai từ đầu tháng 3/2022 (khi đó mức giá 49.000 đồng/cp) xuống mức dưới 35.000 đồng/cp như hiện tại.
Trong đợt điều chỉnh giảm lần này, cổ phiếu HPG giảm khá sâu với áp lực bán ra lớn do ảnh hưởng chung từ đợt điều chỉnh mạnh của thị trường, tới trên 20%. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng chịu tác động tiêu cực từ triển vọng không còn tươi sáng của ngành thép, đặc biệt sau khi chủ tịch Trần Đình Long có những nhận định tiêu cực.
Tại ĐHCĐ HPG vừa diễn ra, ông Long cho rằng, HPG sẽ gặp khó trong hoạt động kinh doanh và kết quả sẽ phản ánh ngay trong 3 quý cuối năm vì ngành thép không thuận lợi. Cuộc chiến Nga - Ukraina khiến nguyên liệu tăng sốc, trong đó có than luyện kim. Trong khi đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến sản lượng tiêu thụ thép thế giới tụt giảm.
Đây cũng là tình hình chung của ngành thép.
Các cổ phiếu thép khác như Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), SMC, Thép Tiến Lên (TLH)… cũng giảm mạnh với lợi nhuận được dự báo sẽ không còn được như năm trước.
Gần đây, nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra những dự báo không tươi sáng về doanh nghiệp ngành thép.
Mirae Asset cho rằng, giai đoạn 2022-2023, Hòa Phát (HPG) có thể có rủi ro biên lợi nhuận giảm do giá quặng sắt điều chỉnh từ quý II/2022 và giá than cốc ở mức cao. Mirae Asset dự báo doanh thu và lợi nhuận giảm tương ứng 4,9% và 18%.
Trong khi đó, SSI Research đánh giá lợi nhuận ròng của HSG và NKG trong năm 2022 lần lượt giảm 30% và 27%.
BSC cho rằng, lợi nhuận của HPG cũng như HSG, NKG giảm nhẹ từ đỉnh.
Không chỉ ngành thép, nhiều ngành khác cũng gặp khó khăn khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào leo thang, trong đó có giá xăng dầu. Lạm phát hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Thế giới đang đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sức cầu tiêu thụ suy giảm và khả năng phục hồi xu hướng toàn cầu hóa đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Chờ tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn
MBS cho rằng, thị trường có thể dao động ngay trên ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Trong phiên 24/5, nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh từ mức giá sàn hoặc gần sàn, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngay cả nhóm cổ phiếu thép cũng được lực cầu bắt đáy hết giá sàn.
Đóng góp chính giúp thị trường phục hồi ngoạn mục phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn Nghị quyết 42 đến hết năm 2023. Về kỹ thuật, triển vọng tạo vùng đáy thứ 2 càng rõ nét sau phiên test cung hôm 24/5. Thị trường có thể dao động ngay trên ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm và mức cản trên ở 1.250 điểm để tạo vùng đáy thứ 2 trong nhịp hồi kỹ thuật này.
SHS cho rằng, có thể kỳ vọng xu hướng hồi phục sẽ tiếp tục tiếp diễn. Trong phiên 24/5, VN-Index biến động khá mạnh, trong phiên có thời điểm VN-Index điều chỉnh về sát ngưỡng tâm lý 1.200 nhưng đã hồi phục mạnh để chốt phiên cao nhất trong ngày và tiếp tục duy trì được sóng hồi phục b. Phiên giao dịch tích cực này cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư đang dần tăng lên và có thể kỳ vọng xu hướng hồi phục sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Với quan điểm đầu tư dài hạn, định giá cổ phiếu vẫn đang duy trì ở mức hấp dẫn khi P/E của VN-Index và VN30 đều đang ở quanh mức 13 lần, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm gần nhất của hai chỉ số này (trong khoảng 15-17 lần). Nếu dự phóng tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trong năm nay thì P/E Forward cho năm 2022 chỉ xấp xỉ hơn 10 lần.
Chốt phiên giao dịch chiều 24/5, chỉ số VN-Index tăng 14,57 điểm lên 1.233,38 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 5,3 điểm lên 305,96 điểm. Upcom-Index giảm 0,51 điểm xuống 93,12 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 15,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,4 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà