Đêm 2/3, Roman Abramovich tuyên bố bán Chelsea bằng một bài thông báo ngắn gọn trên trang chủ CLB. Tỷ phú người Nga không nêu cụ thể lý do chia tay Chelsea, nhưng khẳng định: "Chuyện tiền bạc hay các vấn đề kinh doanh chưa bao giờ là thứ tôi bận tâm, thứ duy nhất có ý nghĩa chính là tình yêu thuần túy tôi dành cho bóng đá và CLB".
Trong thế giới bóng đá sặc mùi lợi ích, tình yêu CLB của giới chủ chưa bao giờ thôi bị hoài nghi. Nhưng khi phát ngôn ấy đến từ Abramovich, có thể tin nhà tài phiệt người Nga đang nói sự thật.
Kỷ nguyên huy hoàng
"Roman Abramovich là ai?"
Đó là câu hỏi được cổ động viên Chelsea đặt ra nhiều nhất vào ngày 1/7/2003, cách đây gần 19 năm. Đó là thời điểm nhà tài phiệt trẻ tuổi mang tên Roman Abramovich đặt chân đến London để mua Chelsea. 100 triệu USD là con số được tỷ phú Nga bỏ ra để mua lại 85 triệu cổ phiếu của Chelsea Village, tương đương 50,9% cổ phần tổ hợp sở hữu đội bóng thành London.
Đó là con số cao nhất trong các thương vụ mua bán mà lịch sử bóng đá Anh từng chứng kiến, nhưng người hâm mộ không mấy hào hứng. Abramovich đi lên từ dầu mỏ, bị đồn đoán dính tới các hoạt động buôn lậu và rửa tiền. Con đường vươn lên của tỷ phú người Do Thái không phải hình mẫu những người "thủ cựu" ở Anh theo đuổi.
"Những đồng rúp sặc mùi dầu" là cách mỉa mai của báo chí Anh, ngay trong mùa giải đầu tiên Abramovich vung tiền để chiêu binh mãi mã cho Chelsea.
"Trong môi trường bóng đá cạnh tranh khốc liệt ngày nay, một ông chủ mới với ví tiền dày hơn sẽ đưa Chelsea vươn tới một đẳng cấp cao hơn", cựu chủ tịch Ken Bates của Chelsea nói ở thời điểm đó.
Ken Bates đã đúng. Abramovich rất giàu và không tiếc tiền đầu tư để giúp Chelsea bước lên tầm cao mới. Trong 19 năm, Abramovich đầu tư gần 3 tỷ USD cho Chelsea, với 15/19 mùa giải chi nhiều hơn 80 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ.
Đội bóng thành London trong kỷ nguyên kim tiền của Abramovich đã chinh phục những đỉnh cao chói lọi nhất của bóng đá thế giới: 2 chức vô địch Champions League, 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 danh hiệu FA Cup, 3 cúp Liên đoàn, 2 Siêu cúp Anh, 3 Siêu cúp châu Âu, 2 Europa League và 1 FIFA World Cup Club.
Chelsea là đội bóng đầu tiên, cũng là duy nhất trong 2 thập kỷ qua vô địch ở mọi đấu trường tham dự và là 1 trong 5 đội hiếm hoi trong lịch sử vô địch đủ cả 3 cúp châu Âu.
Lịch sử Chelsea không bắt đầu từ trước khi Abramovich đến, nhưng chỉ thực sự được viết những trang huy hoàng nhất khi ông chủ người Nga vung tiền đầu tư. Trước Abramovich, giới tài phiệt ngoại quốc hầu như không có dấu ấn tại Ngoại hạng Anh. Sau Abramovich, bóng đá xứ sương mù được nâng tầm đúng nghĩa khi trở thành cuộc chơi thương mại với giá trị hình ảnh lên đến hàng chục tỷ bảng.
Nhưng câu nói của Ken Bates cách đây 19 năm vẫn chưa đầy đủ. Abramovich không chỉ giàu có với hầu bao dày cộp, mà ông còn thực sự yêu bóng đá và Chelsea. Đó là khác biệt lớn giữa tỷ phú người Nga với nhiều giới chủ CLB khác, dù có thể ông không phải người giàu nhất.
Nếu giới chủ Man Utd, Arsenal và Liverpool (trước đây) chỉ xem CLB như món đồ chơi kinh doanh hay "gà đẻ trứng vàng", Abramovich dành trọn tình yêu cho Chelsea với những khoản đầu tư khổng lồ suốt hai thập kỷ dù có những lúc khó khăn.
Dưới thời Abramovich, Chelsea là cối xay HLV tàn nhẫn với 10 chiến lược gia bị sa thải, nhưng điều đó không quan trọng. Nhà tài phiệt Do Thái hành động dựa trên lợi ích của Chelsea. Ông tự mình tìm hiểu về bóng đá, đến xem từng trận của Chelsea và quyết định xóa khoản nợ 2 tỷ USD.
Rất khó để nói Abramovich có lãi từ Chelsea, khi đội bóng này chỉ thực sự "ăn nên làm ra" trong khoảng 5, 6 năm gần đây. Nhưng Abramovich đã có thứ mình muốn, đó là tình yêu của cả cuộc đời. Niềm vui ấy thuần khiết và đáng trân trọng, trong thế giới bóng đá ngày càng bị thương mại hóa và lạnh lùng như những con số trên sàn chứng khoán.
Kỷ nguyên hậu Abramovich
Từ chỗ đặt câu hỏi "Abramovich là ai?" cách đây 19 năm, giới hâm mộ Chelsea giờ đối diện với tương lai đầy nghi hoặc: Sau Abramovich, CLB sẽ trôi về đâu?
Quyết định bán Chelsea của Abramovich đã ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần cầu thủ. Ở trận gặp Luton Town đêm qua, Chelsea chơi như "mất hồn", thủng lưới sau 2 phút và thua 1-2 khi hiệp 1 khép lại. Rào cản tâm lý sẽ đè nặng lên Chelsea trong vài ngày tới.
Các cầu thủ hiểu rằng ngày chia tay CLB sớm muộn cũng đến, nhưng quyết định bán Chelsea của Roman Abramovich đã đến quá nhanh. Chỉ 8 ngày sau xung đột Nga - Ukraine, người hâm mộ sẽ không còn được nhìn thấy tỷ phú người Nga hiện diện trên khán đài Stamford Bridge nữa.
Abramovich đang liên hệ với một số đối tác để bán Chelsea, với mức giá mong muốn là 3 tỷ bảng. Daily Mail khẳng định Abramovich đang để ngân hàng toàn cầu Raine Group thay mình xử lý việc bán Chelsea. Sớm nhất là tháng 5, cuộc chuyển giao sẽ được hoàn tất.
Tương lai của Chelsea sẽ phụ thuộc vào giới chủ mới? Điều này có thể đúng hoặc sai. Nếu chủ mới của Chelsea cũng tâm huyết như Abramovich, đội bóng này sẽ hưởng lợi. Không cổ động viên nào muốn sở hữu Chelsea là những người chủ như gia đình Glazer, chỉ "hút máu" CLB và chưa từng có kế hoạch dài hạn.
Nhưng như đã nói, điều giá trị nhất Abramovich để lại cho Chelsea không chỉ là một kỷ nguyên huy hoàng, mà đó còn là hệ thống bền vững từ đội hình, nền tảng tài chính đến một bề dày truyền thống để cạnh tranh sòng phẳng với những tên tuổi khác.
5 năm qua, Chelsea đã tự đi trên đôi chân của mình, kinh doanh có lãi và xây dựng được đội hình đủ chiều sâu để cạnh tranh tốt trong ít nhất nửa thập kỷ tới. Chelsea cũng có lò Cobham để mài ra những viên ngọc quý như Mason Mount, Calum Hudson-Odoi, Reece James hay Trevor Chalobah. Tất cả đều giàu tiềm năng, đang đóng góp đáng kể cho đội 1 Chelsea mùa này.
Một đội bóng như thế sẽ không dễ sụp đổ với những biến động thượng tầng. Abramovich đã để lại một di sản đồ sộ và trong giờ phút chia tay, tỷ phú người Nga có thể nở nụ cười mãn nguyện.
Hồng Nam