Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện thực hóa tham vọng, dòng tiền tỷ USD xuất hiện

26/02/2024 07:24

Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực với thanh khoản vọt tăng, dễ dàng chinh phục mốc tỷ USD nhờ nhóm cổ phiếu “họ Vin” bứt phá sau khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo thông tin tích cực về hãng xe VinFast.

Thị trường chứng khoán mở đầu tuần 19-23/2 bất ngờ bùng nổ, bật tăng hơn 15 điểm với thanh khoản vụt lên mức cao nhất 50 phiên. Chỉ số VN-Index áp sát đỉnh năm 2023 nhờ sự hồi phục của nhiều mã ngân hàng và cú bứt phá của nhóm cổ phiếu họ Vingroup.

Trong phiên 19/2, chỉ số VN-Index đóng cửa cao nhất ngày, tăng 15,27 điểm (tương đương +1,26). Đây là mức tăng mạnh nhất từ tháng 11/2023. Tổng giá trị giao dịch 3 sàn đạt trên 29.000 tỷ đồng, cao nhất 50 phiên.

Nhìn chung, nhóm ngân hàng đã trở lại hút dòng tiền với những cổ phiếu trụ cột như Vietcombank (VCB), BIDV (BIDV) tăng khá mạnh… Tương tự là các mã trụ cột khác: Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, PVGAS (GAS)…

Điểm sáng chính là nhóm cổ phiếu họ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau khi VinFast thông báo về việc được Ấn Độ cấp đất xây dựng nhà máy.

VinFast Auto tổ chức lễ động thổ Dự án cơ sở sản xuất xe điện tích hợp tại thành phố Thoothukudi, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) sớm, chỉ sau hơn 1 tháng ký ghi nhớ hợp tác (MoU) cam kết đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất xe điện, triển khai trong 5 năm.

Bên cạnh đó, tham vọng với mục tiêu giao 100.000 ô tô điện trong năm 2024 cũng khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu thành công, đây sẽ là một cú bứt phá mạnh mẽ sau khi VinFast đã bàn giao tổng cộng 34.855 xe ô tô điện trong năm 2023 (tăng 48% so với 2022).

Thị trường ô tô điện trên thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Các hãng xe lớn, bao gồm cả Tesla của tỷ phú giàu thứ 2 thế giới Elon Musk lao đao vì các hãng xe Trung Quốc, trong đó có BYD.

Theo Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy, hãng xe ô điện Việt có nhiều thuận lợi để có thể bán 100.000 xe ô tô trong năm 2024. Việt Nam vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của VinFast và có thể đóng góp một nửa số lượng xe bán ra của hãng, nhưng VinFast đang chinh phục thị trường lớn như Ấn Độ và Indonesia.

Với những tin tích cực đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup tăng bứt phá trong nhiều phiên. Trong 10 phiên gần nhất tính tới 22/2, cổ phiếu Vingroup (VIC) có 8 phiên tăng giá, trong đó có nhiều phiên tăng mạnh và 1 phiên tăng trần. Cổ phiếu VIC tăng từ mức 42.000 đồng/cp lên 47.600 đồng/cp vào phiên 22/2.

chungkhoanhh7 ok.jpg
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng vọt. Ảnh: Hoàng Hà

Các cổ phiếu Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) cũng đồng loạt bứt phá. Cổ phiếu VRE tăng 7 phiên liên tiếp từ mức 21.700 đồng hôm 6/2 lên 26.400 đồng/cp hôm 22/2.

Hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup cùng với các doanh nghiệp hệ sinh thái nhà tỷ phú Vượng nắm giữ khoảng 96-97% cổ phần VinFast. Nếu cổ phiếu VFS tăng giá trên thị trường Mỹ, cổ phiếu Vingroup tại Việt Nam có thể hưởng lợi.

Nhóm cổ phiếu họ Vin chỉ quay đầu giảm trong phiên cuối tuần 23/2 khi đà chốt lời gia tăng.

Trong phiên 23/2, ban đầu chỉ số VN-Index tăng khá mạnh với 13 điểm trước khi lực bán mạnh xuất hiện khiến thị trường đóng cửa giảm hơn 15 điểm. Thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với phiên trước đó với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28.000 tỷ đồng.

Tuần mới sẽ ra sao?

Trước tâm lý chốt lời của nhà đầu tư, VN-Index thu hẹp dần đà tăng vào cuối tuần và kết tuần tại 1.212 điểm, tăng 0,2% so với tuần trước, HNX-Index giảm 0,69% về 231,1 điểm và Upcom-Index tăng nhẹ 0,07% để đóng cửa tại 90,2 điểm.

Trong tuần 19-23/2, một số cổ phiếu tăng mạnh bao gồm: Vincom Retail (VRE) tăng 13,1%; Ngân hàng BIDV (BIDV) tăng 7,1%; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng 4,2%...

Ở chiều ngược lại, Vietcombank (VCB) giảm nhẹ 0,8%, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài giảm 4,9%; VPBank (VPB) của chủ tịch Ngô Chí Dũng giảm 1,8%...

Trong tuần qua, giá trị giao dịch trên ba sàn tăng 29% so với tuần trước, lên 26.000 tỷ/phiên, do dòng tiền quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ. Đáng chú ý, tuần này khối ngoại quay lại mua ròng 185 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường, Khối phân tích Chứng khoán VnDirect, cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng quan sát cung - cầu thị trường ở vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm.

Theo đó, áp lực chốt lời tăng mạnh trong phiên cuối tuần 23/2 sau khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự quanh 1.240 điểm.

Bên cạnh đó, việc thị trường áp sát vùng kháng cự mạnh và thông tin lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong một vài phiên gần đây đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và kích hoạt làn sóng chốt lời.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng vọt hôm 21/2, lên 4,14%. Đây là mức cao nhất 9 tháng và gấp gần 4 lần so với cuối tuần trước đó. Nó còn cao hơn mức đỉnh điểm trong giai đoạn cao điểm thanh toán cận Tết Nguyên đán (2,38% ghi nhận vào ngày 7/2).

Lãi suất qua đêm tăng cũng khiến NHNN lần đầu tiên trong năm Giáp Thìn bơm vốn qua kênh thị trường mở.

Áp lực điều chỉnh trên thị trường chứng khoán còn được thúc đẩy bởi động thái bán ròng mạnh của khối ngoại, tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Dù vậy, theo ông Hinh, đà tăng của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời do “sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một ngân hàng" chứ không đại diện cho bức tranh chung của hệ thống.

Theo chuyên gia của VNDirect, trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân), một số ngân hàng vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong khi tín dụng tháng 1 toàn hệ thống tăng trưởng âm do hiệu ứng đầu năm. Với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, cho nên áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường vẫn chưa đánh mất xu thế tăng ngắn hạn khi chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường trung bình 20 ngày MA20 và vùng 1.190-1.200 điểm sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường.

Chứng khoán SSI cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ có bước nhảy vọt lên trên mốc 1.300 trong năm 2024, và mỗi nhịp chỉnh sâu là cơ hội gom hàng cho đợt hồi mạnh nối tiếp ngay sau.

Theo SSI, khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại. Do 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp "trì hoãn thời gian" chờ thị trường bất động sản và tài chính trở lại trạng thái bình thường, sự hồi phục trong năm nay sẽ giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-hien-thuc-hoa-tham-vong-dong-tien-ty-usd-xuat-hien-2252762.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-hien-thuc-hoa-tham-vong-dong-tien-ty-usd-xuat-hien-2252762.html
Bài liên quan
  • EV maker Vinfast secures US$3.5 billion funding
    Vingroup, Vietnam’s largest private conglomerate and its Chairman Pham Nhat Vuong, has announced a significant financial commitment to VinFast, the Nasdaq-listed Vietnamese electric vehicle maker.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện thực hóa tham vọng, dòng tiền tỷ USD xuất hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO