Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng: Thâu tóm DN Âu - Mỹ

11/06/2020 11:29

Các tỷ phú Việt mua lại các DN ngoại, hướng tới việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra thế giới, chứ không chỉ bó ở thị trường trong nước.

Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC), công ty con do CTCP  Tài nguyên Masan (MSR) vừa công bố hoàn tất mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của  H.C. Starck Group GmbH (HCS).

H.C. Starck là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram (tungsten metal powders) và vonfram các-bua (tungsten carbides).

Giao dịch được xem là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR: trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

VinFast của Vingroup cũng được cho là đã chi 20 triệu USD để mua lại trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang ở Úc. Theo trang tin CarAdvice, nhà sản xuât sô tô của Việt Nam đang có ý định mua lại trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang của hãng xe Holden có tuổi đời gần 60 năm.

Trước đó, cuối 2019, Vingroup đã thành lập VinFast Engineering Australia, đặt trụ sở tại TP. Melbourne và tuyển dụng một loạt nhà quản lý tại đây. VinFast từng đánh giá Australia là thị trường ô tô phát triển với các nhà cung cấp sẵn có và có trình độ chuyên môn cao mà VinFast muốn khai thác.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng: Thâu tóm DN Âu - Mỹ
Các tỷ phú Việt gần đây có những bước đi mạnh mẽ.

Tại ĐHCĐ 2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho biết, VinFast và VinSmart sẽ tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ, xác lập chỗ đứng nhất định ở thị trường Mỹ trước khi mở rộng sang các thị trường khác.

Vingroup đã mua lại GM Việt Nam. Theo báo cáo tài chính 2018, Vin đã chi khoảng 919 tỷ đồng để mua lại 100% cổ phần của Công ty General Motors Việt Nam (GM Việt Nam). Ở mảng công nghệ, Vingroup mua lại một doanh nghiệp nước ngoài là BQ - thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha để rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại. Các khâu quan trọng trong quá trình sản xuất smartphone Vsmart, từ nghiên cứu và phát triển tới thiết kế sẽ do BQ đảm nhiệm và được phát triển theo tiêu chuẩn cao của châu Âu.

Báo cáo tài chính của Vingroup cho biết vào tháng 2/2019, Công ty VinTech đã mua 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ - thông qua việc mua phần vốn góp phát hành thêm và mua lại từ các thành viên góp vốn khác với tổng giá trị chuyển nhượng là 35,7 triệu EUR (tương đương 40 triệu USD).

Việc các đại gia Việt thâu tóm doanh nghiệp ngoại không còn lạ nhưng những cú thâu tóm của tỷ phú Việt là điều đáng chú ý. Nó cho thấy một tín hiệu tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, những bước đi mạnh mẽ hơn và có xu hướng đi tắt đón đầu, bắt kịp với sự phát triển của thế giới.

Với thương vụ của MSR, giao dịch này không chỉ nâng tầm MSR trở thành công ty vật liệu công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam có quy mô toàn cầu, mà còn gia tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường vonfram quốc tế nhờ vào nền tảng nghiên cứu phát triển và công nghệ hàng đầu thế giới.

Thương vụ mua Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ giúp Vingroup rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại và đưa điện thoại Vsmart sang phân phối tại thị trường Tây Ban Nha và châu Âu

Còn thương vụ mua trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang ở Úc có thể giúp Vingroup đẩy nhanh quá trình đưa ra của Việt Nam ra các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường đã phát triển với yêu cầu cao.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 11/6, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đang ở trên ngưỡng 900 điểm. Các cổ phếu blue-chips phân hóa sau một thời gian tăng mạnh.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh trong những phiên còn lại của tuần khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.

Về tổng thể, đà tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang được duy trì với đích đến nằm tại vùng kháng cự mạnh 920-940 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường phá vỡ vùng hỗ trợ 883-891 điểm thì BVSC lưu ý rằng, các chỉ số có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn trước khi quay lại quá trình tăng điểm. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhiều khả năng sẽ vẫn có diễn biến sôi động, tuy nhiên áp lực chốt lời có thể sẽ sớm xuất hiện khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã đạt được mức tăng trưởng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/6, VN-Index tăng 0,57 điểm lên 900,00 điểm; HNX-Index tăng 0,56 điểm lên 120,68 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 57,3 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 8,2 ngàn tỷ đồng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng: Thâu tóm DN Âu - Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO