Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 31/3, CTCP Thương mại dịch vụ Winphar đã được thành lập với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông, CTCP Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce thuộc Tập đoàn Masan (MSN) nắm 80% vốn, bà Đỗ Thị Hoàng Yến nắm 10% vốn và ông Trần Phương Bắc nắm 10% vốn. Được biết, bà Đỗ Thị Hoàng Yến và ông Trần Phương Bắc đang có vai trò chủ chốt trong Tập đoàn Masan.
Mới đây, ngày 1/7, công ty Winphar đã đổi tên thành CTCP Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 tỷ đồng lên 28,57 tỷ đồng.
Thông tin trên một số website tuyển dụng, Dr. Win đang giới thiệu là chuỗi bán lẻ thuốc lớn tại Việt Nam và đang thực hiện tuyển dụng dược sĩ với mức thu nhập 10 - 12 triệu đồng/tháng đối với dược sĩ trưởng, 6 - 8 triệu đồng/tháng cho dược sĩ bán hàng.
Động thái này cho thấy, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang có kế hoạch lấn sân thêm mảng bán lẻ thuốc.
Theo thống kê, trên thị trường bán lẻ thuốc, có tới 60.000 cửa hàng thuốc thuộc thị phần các nhà thuốc thuộc bệnh viện và các cửa hàng thuốc tư nhân bên ngoài. Trong đó, kênh bán lẻ thuốc theo quy mô hiện đại chỉ chiếm khoảng 3.000 cửa hàng, chiếm tỷ lệ 5-7%, đa phần thuộc về 3 ông lớn Pharmacity, Long Châu, An Khang
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đạt 2.159 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thông tin trên website, nhà thuốc Long Châu có tổng cộng 706 cửa hàng trên toàn quốc.
Kết thúc năm 2021, FPT Long Châu đang sở hữu 400 cửa hàng trên 53 tỉnh thành, tăng thêm 200 cửa hàng so với đầu năm. Chỉ tính riêng quý 4/2021, số cửa hàng được mở thêm đạt gần 100 cửa hàng, nhờ đó số cửa hàng năm ngoái đã vượt 150 cửa hàng trong kế hoạch năm.
Mới đây, mặc dù chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đóng trên 300 cửa hàng, nhưng ngược lại, chuỗi nhà thuốc An Khang thuộc sở hữu MWG không ngừng ra tăng số lượng cửa hàng.
Vừa qua, MWG đã công bố chuỗi nhà thuốc An Khang cán mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu trung bình hàng tháng của mỗi nhà thuốc An Khang đang dao động 400-450 triệu đồng. Ban lãnh đạo An Khang đang có kế hoạch nâng chuỗi này lên 800 cửa hàng, bình quân doanh thu mỗi cửa hàng lên 600 triệu đồng, doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Pharmacity là một trong những chuỗi bán lẻ dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2021, Pharmacity mở 200 nhà thuốc, nâng lên con số 700 đơn vị, song vẫn chưa đạt kế hoạch 1.000 cửa hàng đặt ra trước đó, đến tháng 3 năm nay con số này mới đạt được. Đến thời điểm hiện tại Pharmacity đã đạt được 1.143 cửa hàng theo chuẩn hiện đại.
Triển vọng thị trường thuốc
Sau khi tiếp tục đối diện với nhiều thử thách trong năm Covid-19 thứ hai, triển vọng tăng trưởng của ngành dược năm 2022 có tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Theo thống kê, 62,5% các chuyên gia và doanh nghiệp được khảo sát về kỳ vọng thị trường năm 2022. Trong khi 12,5% dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh, 6,25 % cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng thấp hơn năm 2021.
Ngoài ra, doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1,78 % GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR (2020 - 2025) là 8%.
Mặt khác, động lực của ngành dược trong dài hạn là sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội và nhân khẩu học cả nước.
Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại. Tăng trưởng doanh thu toàn ngành tăng khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid-19.
Trên thị trường, cổ phiếu ngành dược đang được các công ty chứng khoán và nhà đầu tư đánh giá cao. Theo SSI Research, kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 do nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc.