Hitarth Dholakia là con trai của một gia đình buôn bán kim cương. Công ty trị giá 6.000 tỷ rupee Ấn Độ tại Surat (Ấn Độ) và có mặt ở 71 quốc gia. Thế nhưng, Hitarth lại từng phải sống nghèo khó vì được bố "đẩy" ra đường để tìm cách tự kiếm tiền, học cách bảo vệ bản thân.
Sau khi hoàn thành bằng cử nhân quản trị kinh doanh ở một trường danh tiếng tại New York (Mỹ), Hitarth trở về nhà và tưởng sẽ được tận hưởng một kỷ nghỉ dài.
Thế nhưng, anh ngay lập tức "vỡ mộng" khi bố thông báo rằng anh phải rời khỏi nhà với một số tiền ít ỏi, học cách tự kiếm sống. Cầm trong tay số tiền 500 rupee (khoảng 152.000 đồng), Hitarth bắt xe đến thị xã Secunderabad (quận Hyderabad) rồi lân la khắp hàng quán để xin việc làm. Hitarth cũng không được cung cấp điện thoại di động hay bất cứ thứ gì khác.
Khi đến đây, bố của Hitarth yêu cầu anh không được phép sử dụng danh tính thật hay trình độ học vấn của mình.
Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như anh nghĩ. "Rất khó tìm việc. Trước đây khi còn đi học, tôi không phải lo thiếu thốn về vật chất nên sống rất thoải mái. Tôi không biết thành phố này nằm ở đâu, nó nằm ở vùng nào của đất nước, ngôn ngữ và văn hóa ở đó ra sao. Tôi khá sợ nhưng vẫn cảm thấy tự tin mình sẽ làm được", anh nói.
Hitarth phải ở chung phòng trọ với 17 người khác. Để có cơm ăn qua ngày, anh phải gấp rút đi tìm một công việc. Sau 3 ngày tìm kiếm, anh cũng xin được việc làm tại một công ty thực phẩm đa quốc gia, được trả lương 4.000 rupee/tháng (1,2 triệu đồng). Thế nhưng, công việc quá vất vả, Hitarth chỉ mới làm được 5 ngày là đã nghỉ việc.
Anh tiếp tục xin được công việc tiếp thị tại một đơn vị sản xuất bảng trắng. Hitarth lại làm việc trong 5 ngày và kiếm được 1.500 rupee (khoảng 455.000 đồng). Anh đã thay đổi 4 công việc trong 4 tuần và kiếm được 5.000 rupee (1,5 triệu đồng) vào cuối tháng. Hitarth cuối cùng cũng hoàn thành được thử thách của gia đình với những trải nghiệm và bài học khó quên.
Krupali, em gái của Hitarth, cho hay: "Tôi đã bị sốc khi cả nhà đến Hyderabad để ghé thăm những nơi anh trai tôi đang sống và làm việc. Đó thực sự là một công việc khó khăn và một tình huống khó tin. Nhưng tôi rất tự hào về anh ấy và gia đình tôi, họ đã giữ gìn truyền thống này để các thành viên đều học được cách tôn trọng con người và cả tiền bạc".
Được biết, việc gửi con cái đến các khu ổ chuột để sống tự lập là truyền thống lâu đời của gia đình Dholakia. Pintu Tulsi Bhai Dholakia, 31 tuổi, là người đầu tiên trong gia đình trải nghiệm "cuộc sống thực" đầy khắc nghiệt này. Giờ đây, anh đã là Giám đốc điều hành của Hari Krishna Imports Pvt Ltd.
Tương tự như vậy vào năm ngoái, gia đình đã gửi cậu con trai 21 tuổi có bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) đến Kochi để giúp cậu tìm hiểu về những khó khăn trong cuộc sống.
Không chỉ có nền giáo dục cao, gia đình của Hitarth còn nổi tiếng với chế độ đãi ngộ cho nhân viên cực kỳ tốt.
Năm ngoái tại Diwali, công ty của gia đình Hitarth đã tặng 400 căn hộ và 1.260 ô tô cho khoảng 1.716 nhân viên có thành tích tốt nhất. Năm 2015, công ty đã tặng 491 ô tô và 200 căn hộ cho nhân viên. Tương tự vào năm 2014, công ty đã tặng 491 ô tô, mua 207 căn hộ và đồ trang sức cho 1.200 nhân viên của mình.