Tại Việt Nam, khoảng 90% các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt. Riêng ở lĩnh vực thương mại điện tử, số đơn hàng thanh toán kỹ thuật số cũng chỉ chiếm hơn 5% tổng thanh toán.
Dẫu vậy, trong mảng bán lẻ công nghệ, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt lại rất cao, ở mức 60-70% tổng giao dịch.
Một khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng trong siêu thị điện thoại. (Ảnh: Hải Đăng) |
Trả lời ICTnews, đại diện FPT Shop cho hay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng đang vào khoảng 70%, tăng trưởng so với năm ngoái.
Tình hình cũng tương tự tại chuỗi CellphoneS. Các hình thức thanh toán không tiền mặt phổ biến như: Cà thẻ, chuyển khoản, thanh toán qua cổng/ ví điện tử, trả góp chiếm tỉ trọng 60-70% trong năm 2021.
Lý giải về tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt thấp, một nhà bán lẻ cho hay do hàng hoá công nghệ thường có giá trị cao, do đó khách hàng thường không thích mang theo lượng tiền mặt lớn để giao dịch trong bối cảnh các phương thức thanh toán số hiện nay rất đa dạng. Thêm vào đó, việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng, thông qua ví điện tử, hoặc thanh toán online thường được hưởng một số khuyến mại, kích thích người dùng sử dụng các phương thức này. Sự phổ biến của phương thức trả góp cũng góp phần thúc đẩy thanh toán qua trung gian tài chính.
Không khó hiểu khi người dân ở các thành phố lớn chiếm đa số trong các giao dịch không dùng tiền mặt.
Thống kê của FPT Shop cho thấy tỉ lệ thanh toán không tiền mặt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% tổng số, chủ yếu là nhóm khách hàng nhân viên văn phòng.
Tại CellphoneS, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại 2 thành phố lớn gấp đôi so với cả nước. Nhóm đối tượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tập trung chủ yếu ở các nhân viên văn phòng, có thu nhập ổn định (> 7 triệu đồng), do đó có thể sở hữu được 1-2 thẻ tín dụng và sử dụng thông thạo các hình thức thanh toán online.
Việc thanh toán thông qua các kênh hiện đại không chỉ có lợi cho khách hàng mà còn mang lại sự thuận tiện cho nhà bán lẻ. Ưu điểm của phương thức này giúp thanh toán nhanh chóng, dễ dàng với mọi đơn hàng có giá trị lớn nhỏ khác nhau, thuận tiện cho các giao dịch ở xa. Ngoài ra, tạo sự an toàn vì tránh được các rủi ro mất cắp, tiền giả, tiền rách khi thu tiền mặt; giảm chi phí kiểm đếm, kiểm soát, lưu trữ lại shop khi lượng tiền mặt lớn.
Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh Covid căng thẳng thì việc không tiếp xúc trực tiếp (tiền chuyền từ tay người này sang người khác) giúp hạn chế lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, FPT Shop cho hay với nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển, bắt buộc đối với bất kỳ hệ thống bán lẻ nào cũng cần phải chạy nhanh trong công cuộc nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, luôn phải xây dựng phương án quản lý, bảo mật mọi thông tin liên quan tới khách hàng.
Không chỉ tăng mạnh ở các cửa hàng bán lẻ công nghệ, Covid-19 cũng thúc đẩy xu hướng này ở các siêu thị bán hàng thiết yếu. Đại diện Saigon Co.op cho hay trong những tháng cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại các hệ thống bán lẻ của công ty tăng lên tới 40%, có lúc đến 50%, vượt trội so với thời điểm trước dịch chỉ dao động quanh mức 4%.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các kênh giao dịch hiện đại đều tăng trưởng. Trong chín tháng năm 2021, giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch thanh toán qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.
Bên cạnh đó, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Hải Đăng