Tỷ lệ phát hiện bệnh lao của Việt Nam giảm 18%

Hải Yến| 22/09/2021 14:35

Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh lao của Việt Nam giảm 18%.

Đây là thông tin tại hội nghị "Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021" của Chương trình Chống lao Quốc gia. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chương trình chống lao các địa phương, các bệnh viện lao, CDC các tỉnh…. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến và kết nối tới 158 điểm cầu trên cả nước.

Tỷ lệ phát hiện lao giảm 18%

Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2019).

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với bệnh lao và nhiều căn bệnh khác rất lớn. Đại dịch COVID-19 đã đẩy thành quả chống lao lùi lại 5 năm. "Hiện tại, bệnh lao của chúng ta chỉ tương đương năm 2015, đây là một thảm họa lớn", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cảnh báo.

Tỷ lệ phát hiện bệnh lao của Việt Nam giảm 18% - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo.

Trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ phát hiện bệnh lao nói chung giảm 18% so với năm 2020, mặc dù năm 2020, tỷ lệ phát hiện lao cũng giảm so với những năm trước đó. PGS TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: "Đây là điều rất đáng báo động bởi với số người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây lan cho cộng đồng. Nếu những người này không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng cao".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy, tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25%-50% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm khoảng 200.000 – 400.000 ca tử vong do lao. Mô hình cũng dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

Chủ động phát hiện lao và COVID-19

Giám đốc BV Phổi Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, đặc biệt là những bệnh nhân lao kháng thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19. "Trong quá trình sàng lọc có thể phát hiện song song cả lao và COVID-19. Phát hiện sớm và chủ động sàng lọc tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám và tại cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay", PGS Nhung nói.

Tỷ lệ phát hiện bệnh lao của Việt Nam giảm 18% - Ảnh 2.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tham dự hội nghị tại đầu cầu BV Phổi Trung ương

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình phát hiện bệnh nhân lao đã giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên việc duy trì tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân vẫn ở mức rất cao, trên 85% đối với bệnh nhân lao thường.

Bên cạnh đó, dù vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nhưng Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trên toàn quốc vẫn nỗ lực hết sức để duy trì và đảm bảo công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao; đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống COVID trên toàn quốc.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị Chương trình chống lao quốc gia tập trung vào 6 nội dung bao gồm: xây dựng chiến lược phù hợp cho giai đoạn "bình thường mới" hậu COVID-19, thúc đẩy các hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia, tiếp tục quá trình thực hiện công tác chống lao tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; vận động các cấp chính quyền và cộng đồng tham gia làm sao phát hiện sớm và nhiều nhất các trường hợp lao, điều trị quản lý với kết quả cao, kể cả lao thường và lao kháng thuốc.

Tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, để người dân hiểu tầm quan trọng của hoạt động chống lao cũng như chống COVID-19, người dân không kỳ thị bệnh COVID-19 hay bệnh lao.

Về vấn đề hậu cần thuốc và trang thiết bị, lập Kế hoạch và phương án nguồn vốn để bảo đảm đủ thuốc chống lao, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân lao trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Cần chuẩn bị tốt cho lộ trình xây dựng cơ chế mua sắm và thanh toán thuốc chống lao bằng nguồn quỹ BHYT bắt đầu từ năm 2023.

Về vấn đề tài chính bền vững và vận động ngân sách, cùng với ngân sách nhà nước, Chương trình cần tiếp tục tranh thủ vận động sự ủng hộ từ các đối tác …cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam.

Tăng cường phát hiện chủ động, bù đắp để đạt chỉ tiêu năm 2021.

Củng cố màng lưới; rà soát, củng cố hệ thống Hồi sức cấp cứu của các BV Phổi tỉnh, tăng cường năng lực để đáp ứng tình hình dịch bệnh COVID-19.

Cũng tại hội nghị này, Bộ Y tế công bố quyết định bổ nhiệm PGS TS Nguyễn Bình Hoà làm Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế đã trao quyết định của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho PGS TS Nguyễn Bình Hoà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chúc mừng PGS.TS Nguyễn Bình Hoà tại Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương

Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chúc mừng PGS TS Nguyễn Bình Hoà và chúc tân Phó Giám đốc BV Phổi TƯ hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị mới.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ phát hiện bệnh lao của Việt Nam giảm 18%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO